Thực hiện trước khai mạc kỳ họp nhiều tháng
Điển hình, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang luôn đề cao tính chủ động và kế hoạch trong chuẩn bị các nội dung và chương trình kỳ họp HĐND tỉnh. Ngay sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh căn cứ những nội dung đã được thông qua, chủ động sắp xếp, bố trí thời gian nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu phục vụ cho hoạt động thẩm tra của Ban HĐND, cũng như việc xem xét, thảo luận, quyết định của HĐND đối với các nội dung sẽ trình tại kỳ họp.
Trong đó, đối với các báo cáo công tác mang tính thường kỳ của UBND, Tòa án nhân dân, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự hoặc các dự thảo nghị quyết dự kiến sẽ trình tại các kỳ họp trong năm, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các ban (theo lĩnh vực phụ trách), thường xuyên nắm bắt và “tích luỹ” các thông tin liên quan, đến thời điểm thẩm tra thì sử dụng nguồn thông tin đó để kiểm chứng, đánh giá, phản biện những nội dung trong các báo cáo công tác; trường hợp cần thiết, có thể tổ chức khảo sát thêm để củng cố thông tin phục vụ thẩm tra. Đặc biệt, đối với các dự thảo nghị quyết ban hành chính sách có tính chất đặc thù của địa phương, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban HĐND chủ động nắm chắc thông tin thực tế từ cơ sở, tổ chức tham vấn đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, làm căn cứ cho việc thẩm tra dự thảo nghị quyết trước khi trình kỳ họp.
Quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin (để chuẩn bị cho các nội dung của kỳ họp HĐND) nêu trên có thể được thực hiện một cách độc lập, riêng rẽ, cũng có thể lồng ghép trong quá trình triển khai các hoạt động khác của ban, bảo đảm tính linh hoạt và hiệu quả.
Với cách làm chủ động như trên, công tác chuẩn bị cho kỳ họp của HĐND tỉnh Bắc Giang không phải chỉ được thực hiện trước khi khai mạc kỳ họp 20 hoặc 30 ngày, không ít nội dung đã được chuẩn bị từ trước đó nhiều tháng. Do đó, khi đến giai đoạn cao điểm trong công tác chuẩn bị kỳ họp, nhiều nội dung được “giảm tải”, tạo điều kiện cho việc tập trung chuẩn bị các nội dung khác đạt chất lượng hơn, nhất là những nội dung phục vụ điều hành trực tiếp của chủ tọa.
Không chờ đến khi nhận báo cáo, tờ trình chính thức
Còn đối với Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu, tùy theo tính chất, nội dung của từng kỳ họp là họp thường lệ hay chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp tổ chức sớm hội nghị liên tịch trước ngày khai mạc kỳ họp, tạo điều kiện cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan có nhiều thời gian chuẩn bị những nội dung trình kỳ họp; các Ban của HĐND tỉnh có thời gian chủ động tiến hành giám sát, khảo sát phục vụ cho công tác thẩm tra. Do đó, đã hạn chế được tình trạng phải “chạy thời gian”để hoàn thành các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; đồng thời, các tài liệu phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo hơn, đáp ứng được yêu cầu về nội dung, hoàn thành đúng thời gian quy định.
Thường trực HĐND kịp thời ban hành thông báo kế hoạch tổ chức kỳ họp, xác định rõ thời gian, nội dung và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác chuẩn bị; quy định cụ thể thời gian hoàn thành các văn bản trình kỳ họp gửi về Thường trực HĐND để gửi tới đại biểu HĐND nghiên cứu. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban HĐND tỉnh chuẩn bị và tiến hành thẩm tra các văn bản trình kỳ họp theo chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở thông báo phân công thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh chủ động phối hợp thống nhất kế hoạch, tập hợp tài liệu tham khảo, tổ chức khảo sát, phân công thành viên Ban nghiên cứu và tiến hành thẩm tra các văn bản trình kỳ họp bảo đảm khoa học, tập trung vào từng nội dung, lĩnh vực, ngành cụ thể.
Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu thường xuyên quan tâm đôn đốc, chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh phối hợp, đồng hành cùng UBND tỉnh, các sở, ngành trong việc chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp. Các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp khi được thông qua tại các phiên họp UBND tỉnh cần có sự tham dự của các Ban HĐND tỉnh, giúp các Ban có điều kiện nghiên cứu sâu, kỹ, phục vụ công tác thẩm tra. Cùng với đó, các Ban HĐND tỉnh phải chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt trong việc tổ chức thẩm tra nhằm bảo đảm thời gian, tiến độ. Công tác thẩm tra của các Ban phải được tiến hành ngay từ khi nhận dự thảo nghị quyết, không chờ đến khi nhận báo cáo, tờ trình chính thức - Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh.