Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, “tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật”. Do đó, công tác điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong bối cảnh ngày càng ít phát hiện ra các mỏ dầu khí mới.
Đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, công tác điều tra cơ bản về dầu khí nói riêng và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nói chung đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với các dự án điều tra cơ bản về dầu khí được tiến hành trong các vùng biển sâu, biển xa, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, dù đã được nêu trong Điều 6 dự thảo Luật về nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, nhưng trong Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí vẫn cần bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí; bổ sung chính sách về bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động điều tra cơ bản.
Mặt khác, theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chỉ có 2 loại dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, bao gồm: Dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo khi đáp ứng tiêu chí tại khoản 2 Điều 13 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đối chiếu theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Như vậy, quy định tại Điều 4: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí...” sẽ không giải quyết được mâu thuẫn, xung đột giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí. Điều đó đòi hỏi cơ quan soạn thảo dự án Luật cần có quy định cụ thể hơn để giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa các Luật.
Cần xóa khoảng trống pháp lý
Không ít ĐBQH cho rằng, các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên dầu khí truyền thống do Bộ Công thương chủ trì quản lý, thực hiện, còn các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên dầu khí phi truyền thống do các bộ, ngành khác chủ trì thực hiện, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì thực hiện dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam”. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lại không có quy định riêng đối với dầu khí truyền thống và phi truyền thống, sẽ dễ dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai, dễ làm gián đoạn việc triển khai các dự án điều tra cơ bản dầu khí phi truyền thống đã và đang được các bộ, ngành chủ trì thực hiện. Vì vậy, cần rà soát, hoàn thiện các quy định về tổ chức, thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo Luật, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Khoản 3, Điều 12 đặt ra điều kiện cho các cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, Điều 13 đặt ra quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí. Do đó, cần phải có điều kiện cụ thể hơn trong trường hợp cá nhân Việt Nam và người nước ngoài điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cho ý kiến về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12 dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc “có những điều kiện nào” thì được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí? Việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù, vậy chủ thể thực hiện ngoài điều kiện về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm có cần thiết phải có những điều kiện đặc thù hay không?
Theo các ĐBQH, điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ được tiến hành khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cho phép điều tra cơ bản về dầu khí. Mặt khác, hiện vẫn chưa rõ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định trong dự thảo Luật, có phải là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí hoặc hoạt động dầu khí hay không? Nếu coi đây là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì cần quy định rõ để bảo đảm tính minh bạch của văn bản pháp luật.