Dự buổi làm việc có Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trần Văn Tuấn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Phạm Văn Thịnh.
Về phía UBND tỉnh và các sở, ngành có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu đã nghe và trao đổi về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hoạt động của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh 9 tháng và ước cả năm 2022. Theo đó, trong điều kiện khó khăn, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Dự kiến đến hết năm,18/18 chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng mạnh; thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả khá; công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện quyết liệt, tỷ lệ giải ngân có chuyển biến tích cực; những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai từng bước được giải quyết…
Những tháng còn lại của năm, UBND tỉnh xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất; đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước, thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đào tạo; phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số…
Cũng tại buổi làm việc, UBND tỉnh và các sở, ngành địa phương đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Đoàn ĐBQH tỉnh. Trong đó, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng tất cả các dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất đều phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện; sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương... Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu tăng cường thêm biên chế cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT), ban hành chính sách đãi ngộ, đặc thù nhằm thu hút các chuyên gia vào làm việc và phát triển nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước…