Theo Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trên địa bàn, hiện đang triển khai 5 chính sách và 9 đề án hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Các cơ chế chính sách, đề án đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; làm thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, một số chính sách đã ban hành đến nay đã không còn phù hợp, việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, không được doanh nghiệp và người dân tham gia, vì đòi hỏi quy mô sản xuất lớn, thực tế khó thực hiện, hoặc mức hỗ trợ còn thấp không hấp dẫn…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng 3 dự thảo Nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2023 - 2030 gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; quy định nội dung và mức hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện HTX Sao Thần Nông (xã Tiến Dũng, Yên Dũng) cho biết: hiện giá giống, vật tư nông nghiệp cao nên chi phí sản xuất trên đơn vị diện tích lớn. Do đó, việc hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung theo quy định của dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là thấp. Qua đó, đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ lên 15 triệu đồng/ha; số lần hỗ trợ tăng từ không quá 3 vụ sản xuất/mô hình lên không quá 5 vụ sản xuất/mô hình…
Cũng liên quan đến nội dung này, đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Dũng đề nghị, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, vốn lồng ghép các chương trình, dự án nên bổ sung thêm cả nguồn kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để có thêm nguồn lực hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung.
Về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất, một số cử tri đề nghị bổ sung nội dung hỗ trợ máy gặt đập liên hợp và bảo quản, chế biến sau thu hoạch cho các HTX, liên hiệp HTX, trang trại sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản bởi chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn lực của các chủ thể hạn chế.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, liên hiệp HTX, chủ trang trại tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động sản xuất…
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị, cùng với các chính sách hỗ trợ, cơ quan chức năng cần kiểm soát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tránh tình trạng giá leo thang làm tăng chi phí sản xuất; quan tâm hỗ trợ phát triển giao thông, thủy lợi nội đồng...
Tại huyện Tân Yên, cử tri kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất sâm Nam núi Dành. Ngoài việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm củ sâm tươi, Nghị quyết cần bổ sung bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như: hoa, củ sâm khô, củ sâm ngâm rượu… Đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Nam núi Dành.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tán Yên đề nghị, cần hỗ trợ nông dân sản xuất lúa ứng dụng máy bay không người lái 3 khâu (gieo hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân), mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/sào; hỗ trợ tổ chức, cá nhân trạm giám sát sâu bệnh hại, quản lý sản xuất trên cây trồng, mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/trạm; hỗ trợ 50% kinh phí cho các trang trại mua vật tư, các thiết bị máy móc nhưng không quá 50 triệu đồng/trang trại để áp dụng, ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi nhằm kiểm soát chặt chẽ theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm...
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang và một số cơ quan liên quan giải đáp và làm rõ.
Chủ trì các hội nghị, lãnh đạo HĐND tỉnh nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp đều rất "đúng, trúng", góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị sau hội nghị, các cử tri tuyên truyền, lan tỏa nội dung các dự thảo nghị quyết để cộng đồng cùng nắm, cùng tham gia đóng góp ý kiến.
Các chính sách trên mang tính đặc thù, phù hợp với thực tế của tỉnh, do đó, các tổ chức, cá nhân cần mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, nâng giá trị trên đơn vị diện tích; các địa phương, cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ tối đa thủ tục về tiếp cận đất đai, vốn vay.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp tháng 7 tới, Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của cư tri, HĐND tỉnh giao cho cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét bổ sung, hoàn thiện nội dung các dự thảo nghị quyết, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó nhằm hỗ trợ người dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trước khi trình HĐND tỉnh thông qua.
Để nghị quyết bảo đảm tính khả thi, sau hội nghị, MTTQ huyện, các cơ quan liên quan tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là những người được thụ hưởng trực tiếp. Với trách nhiệm của mình, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp thu, điều chỉnh các nội dung phù hợp, bảo đảm ngay sau khi được ban hành, các nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống.