Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Minh Thông đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan để nghe Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo dự thảo Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới trên địa bàn Tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Việc xây dựng Nghị quyết nêu trên nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và quy định của Trung ương.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước là 30 triệu đồng/đơn đối với đơn đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới và 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn. Các đối tượng sở hữu trí tuệ đã nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ không được nhận hỗ trợ theo chính sách này.
Kinh phí thực hiện chính sách được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp theo quy định.
Dự kiến, Nghị quyết sẽ được trình thông qua tại Kỳ họp Hội đồng nhân tỉnh vào tháng 7.2023.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết theo hướng dẫn của Sở Tư pháp và các ban, ngành liên quan. Trong đó cần làm rõ thêm sự cần thiết và căn cứ pháp lý để xây dựng Nghị quyết; đồng thời theo dõi, bám sát quá trình thực hiện các bước xây dựng Nghị quyết theo quy định, đảm bảo hoàn thành Nghị quyết và trình tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân đúng thời gian dự kiến.
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Duy Tâm Thanh cho biết: "Sở đã triển khai chính sách theo quy định của Chính phủ là hỗ trợ trực tiếp về tiền cho các tổ chức cá nhân về việc đăng ký sở hữu trí tuệ trên địa bàn".
Theo đó, với việc thực hiện hỗ trợ trực tiếp về tiền cho các tổ chức cá nhân thì trong thời gian tới Tỉnh kỳ vọng các hoạt động về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa. Đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp qua đó nâng được chất lượng sản xuất hàng hoá và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Trong thời gian qua, công tác đăng ký về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh tăng dần theo các năm. Trung bình 5 năm vừa qua tỉnh có khoảng 1.300 đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
“Trước đây, Sở KH-CN cũng đã có chính sách hỗ trợ nhưng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong thời gian tới việc này sẽ được áp dụng đồng bộ cho toàn bộ các đơn vị hoạt động trên địa bàn. Mục tiêu hướng tới là sẽ xây dựng, phổ biến công tác đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đến sâu rộng người dân và hoạt động này sẽ trở thành một thói quen đối với người dân và doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Sở KH-CN Trần Duy Tâm Thanh chia sẻ.
“Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chương trình gồm các nội dung cơ bản tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.