Những năm qua, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 10 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương, như: khuyến khích đầu tư; thu hút cán bộ; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ thôn bản; hỗ trợ giáo viên mầm non không trong biên chế nhà nước; khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp; cơ chế, chính sách bê tông hóa đường giao thông nông thôn... Một số cơ chế, chính sách được ban hành và thực hiện đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và an sinh xã hội như: chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non không trong biên chế nhà nước có tính đến các vùng khó khăn và các vùng khác để hỗ trợ. Qua thực hiện chính sách này đã góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng, khích lệ tinh thần cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường; đồng thời giải quyết tốt việc đào tạo, chăm lo nguồn nhân lực ngay từ nhỏ, tạo điều kiện cho nhân dân có thời gian tham gia lao động sản xuất.
Chính sách hỗ trợ kinh phí cho một số chức danh tại thôn, bản, tổ nhân dân phù hợp với nguyện vọng của đội ngũ trưởng các đoàn thể ở thôn, xóm, bản, tổ nhân dân, đã khuyến khích và động viên kịp thời đội ngũ này hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn đã thu hút được các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp. Chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất, manh mún tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Cơ chế hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ thể hiện chủ trương trọng dụng, thu hút ưu đãi nhân tài của tỉnh. Chính sách hỗ trợ thí điểm xây dựng 3 công trình vệ sinh ở nông thôn được các cấp chính quyền địa phương và người dân hết sức quan tâm hưởng ứng và tích cực tham gia, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao nhận thức của người dân ở nông thôn về vệ sinh môi trường, hạn chế các bệnh ở người liên quan đến nguồn nước, cải thiện sức khỏe, đời sống của các hộ dân ở nông thôn. Cơ chế, chính sách bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện phát triển kinh kế nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong từng nghị quyết cũng còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể:
Ban hành chính sách nhưng thiếu toàn diện, chưa đồng bộ, còn chồng chéo,như: chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy định hỗ trợ 6 nội dung, nhưng mới thực hiện hỗ trợ về đầu tư, khuyến nông và tín dụng, chưa hỗ trợ về quy hoạch, đất đai và xúc tiến thương mại. Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư chủ yếu mới tập trung thu hút đầu tư vào các ngành khai khoáng, khai thác chế biến nông, lâm sản; chưa thu hút được các thành phần kinh tế khác đầu tư; thiếu nguồn lực hỗ trợ đầu tư. Chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nhưng lại chưa có làng nghề được công nhận để hỗ trợ; thiếu cán bộ khuyến công để tổ chức thực hiện; hệ thống các văn bản triển khai công tác khuyến công chưa đồng bộ, còn chồng chéo.
Chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, không đi vào cuộc sống như: chính sách khuyến khích phát triển cây chè, cây mía, theo quy định các hộ gia đình, cá nhân trồng chè, mía phải có dự án đầu tư trồng, thâm canh theo quy trình kỹ thuật được phê duyệt và phải có diện tích từ 1ha trở lên mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Trên thực tế rất ít hộ có dự án đầu tư trồng thâm canh và không nhiều hộ có diện tích từ 1ha trở lên, vì vậy chính sách chưa đi vào thực tiễn. Hay cơ chế thu hút cán bộ khoa học về tỉnh công tác và đi đào tạo nâng cao trình độ, số lượng cán bộ thu hút về tỉnh công tác còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu cán bộ khoa học - công nghệ của tỉnh. Việc hỗ trợ đi đào tạo chỉ thực hiện sau khi tốt nghiệp, vì vậy chưa động viên, khuyến khích kịp thời cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ.
Triển khai tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa đạt yêu cầu. Cơ chế, chính sách hỗ trợ thí điểm 3 công trình vệ sinh ở nông thôn một số nơi, việc triển khai cơ chế chính sách đến nhân dân chưa cụ thể nên một số hộ chưa hiểu, chưa làm theo thiết kế mẫu, vị trí xây dựng chưa hợp lý. Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại có quy định nội dung ưu đãi về đất đai, giao rừng, cho thuê rừng là rừng sản xuất, về thuế, khuyến nông, tín dụng, đào tạo lao động, thị trường, vệ sinh môi trường và bảo hộ tài sản đã đầu tư. Nhưng trên thực tế các chủ trang trại chưa chủ động lập các dự án đầu tư để hưởng chính sách ưu đãi, các Ngân hàng thương mại chưa thực sự quan tâm và đánh giá đúng mức thị trường cho vay phát triển kinh tế trang trại...
Sau khi giám sát và đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành, xác định rõ những nguyên nhân hạn chế của từng cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nghị quyết về: chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư; chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ; chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích đã ban hành đang phát huy tác dụng; không tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển cây chè, mía và chính sách hỗ trợ thí điểm 3 công trình vệ sinh ở nông thôn.
Từ thực tế hoạt động, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã rút ra được những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, bám sát chủ trương của Đảng, cụ thể là nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, các văn bản của Trung ương giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quyết định và điều kiện cụ thể của tỉnh để ban hành các nghị quyết đặc thù về cơ chế, chính sách nhằm phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN của địa phương. Đặc biệt, cân nhắc kỹ các điều kiện cụ thể về KT-XH của tỉnh để nghị quyết trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH.
Hai là, HĐND tỉnh chủ động giao cho các cơ quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, cơ quan thẩm tra khảo sát thực tế, đánh giá tình hình khách quan, giúp cho HĐND tỉnh quyết định chính xác; đồng thời thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, kiến nghị điều chỉnh bổ sung kịp thời, để nghị quyết HĐND thực sự đi vào cuộc sống.
Ba là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh để thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, rà soát tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể và cá nhân tiếp cận, thụ hưởng chính sách.