Cần thiết sửa đổi Luật
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã 4 lần được sửa đổi bổ sung, qua đó, góp phần vào sự thành công của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.
Thực tế triển khai cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Thứ nhất, Luật đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chẳng hạn, thuốc lá là mặt hàng tiêu dùng có hại cho sức khỏe của bản thân người dùng và những người xung quanh. Vì vậy, đây luôn là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất cao, được tăng theo lộ trình từ 65% lên 70% và từ năm 2019 là 75%. Tương tự, thuế suất với rượu 20 độ trở lên và với bia tăng từ 50% lên 55% vào năm 2016; lên 60% vào năm 2017 và từ năm 2018 là 65%.
Thứ hai, Luật góp phần định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường thông qua việc quy định thuế suất thấp hơn đối với xăng sinh học; xe ô tô điện chạy bằng pin áp dụng thuế suất theo lộ trình: từ ngày 1.3.2022 là 3%, 2%, 1% và từ ngày 1.3.2027 là 11%, 7%, 4% tùy theo số chỗ ngồi…
Thứ ba, Luật góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2015 - 2020, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ trọng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng từ 6,5% (2015) lên khoảng 8,3% (2020) và chiếm khoảng 2% GDP (2020).
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt còn một số hạn chế, như: đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…
Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là rất cần thiết. TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, trải qua nhiều năm, nền kinh tế đã có sự phát triển, đời sống, thu nhập của người dân đã thay đổi, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi theo. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững hơn. Do đó, việc xem xét cải cách và sửa đổi thuế trong quá trình phát triển là rất cần thiết; vấn đề là thay đổi như thế nào cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ.
“Chắc chắn chúng ta phải áp dụng thuế hỗn hợp”
Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7.2023, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với 7 nhóm chính sách khi xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đó là hoàn thiện các quy định về: đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành.
Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, mô hình thuế hỗn hợp ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Đến nay, đã có 66 quốc gia áp dụng mô hình thuế hỗn hợp, 62 quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối và 45 quốc gia áp dụng thuế tương đối (trong đó có Việt Nam). Việc áp dụng mô hình thuế nào sẽ phụ thuộc vào mỗi nước, và nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng khác nhau. Chẳng hạn, Hungary có 22 nhóm hàng hóa chịu thuế, Thụy Điển là 19, Anh là 21, Thái Lan khoảng 20 nhóm, Việt Nam là 17 nhóm và đang có yêu cầu mở rộng... “Đây là yêu cầu hợp lý, đặc biệt là với đồ uống có đường. Vấn đề là cần xem xét kỹ hơn mức thuế thế nào cho phù hợp”, ông Thịnh khuyến cáo.
Còn theo bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), phương pháp thuế tương đối chỉ phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn trước đây, vì ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên, thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế. Tuy nhiên, thuế tương đối không mang lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm và có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp. Minh chứng là, lượng tiêu thụ cồn của Việt Nam vẫn tăng lên. Đáng chú ý, có tới 57% đồ uống có cồn ở Việt Nam là thuộc khu vực phi chính thức, đồng nghĩa thất thu ngân sách rất lớn.
Cũng theo bà Hương, thuế tiêu thụ đặc biệt hướng đến 3 mục tiêu là sức khỏe người tiêu dùng, ngân sách, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. Tùy việc đặt mục tiêu nào cao hơn để lựa chọn mô hình thuế phù hợp. Nếu để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng thì thuế tuyệt đối là tốt nhất, nhưng với điều kiện của Việt Nam thì chưa nên áp dụng vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa. Do vậy, cần một bước chuyển - đó là mô hình thuế hỗn hợp và rất khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Tất nhiên, nếu chuyển sang thuế hỗn hợp sẽ gặp khó khăn, như trường hợp của Philippines, song nước này cũng đã giảm được lượng tiêu thụ cồn của người dân, đồng thời giải quyết được vấn đề công bằng giữa sản phẩm quốc nội và sản phẩm nhập khẩu, đại diện Eurocham thông tin.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nhận xét, xu hướng áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn đã rõ, bởi đây là phương pháp tiên tiến của thế giới. Hơn nữa, Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và mới đây, Nghị quyết số 115 của Chính phủ đã định hướng vấn đề này. Vì những lẽ đó, bà Cúc cho rằng, “chắc chắn chúng ta phải áp dụng”, song cần phải có lộ trình và công khai lộ trình đó để doanh nghiệp chuẩn bị.
Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp luôn tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, việc áp dụng thuế hỗn hợp cần phải được Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán cụ thể về lộ trình. Cùng với đó, hiện doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế cả năm nay khó đạt mục tiêu 6,5%, vì thế, các doanh nghiệp đều mong được lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. “Chúng tôi không phản đối việc tăng thuế, chỉ mong được lùi lại”, bà Thủy phát biểu.