Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài
Hướng đến kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2024), 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức phát động Tuần lễ Áo dài năm 2024 nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài trong cộng đồng.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Hội mong muốn góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc, về đất nước, con người và áo dài Việt Nam đến đông đảo công chúng. Đồng thời, góp phần để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản thế giới.
Từ năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện chủ đề Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tuần lễ Áo dài vẫn được tổ chức vào tuần đầu của tháng 3 hàng năm.
Sau nhiều nỗ lực của các ngành, các cấp, địa phương, sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân và người Việt ở nước ngoài, không chỉ trong các dịp lễ lớn quan trọng của đất nước, của địa phương, của mỗi gia đình, áo dài đã trở thành trang phục được phụ nữ và nam giới, từ người cao tuổi tới các bạn trẻ, sử dụng ngày càng phổ biến và được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích.
Đến nay, nhiều hoạt động tôn vinh trang phục này của Việt Nam đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước như các cuộc thi, đồng diễn, diễu hành, với quy mô lớn. Đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa như: tặng áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; khóa học Cắt may và thiết kế áo dài trực tuyến miễn phí cho gần 8.500 học viên trên cả nước do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức; cuộc vận động thiết kế áo dài Tự hào áo dài Việt...
Các ngành, địa phương cũng có nhiều hoạt động nhằm khẳng định áo dài là di sản văn hóa của Việt Nam, điển hình như tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án Huế - Kinh đô áo dài tiến tới hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Có chiến lược xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam
Cho đến nay, áo dài gần như đã trở thành quốc phục đối với phụ nữ Việt Nam, có thể sánh ngang kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. Áo dài cũng là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng từ nguyên, không qua dịch thuật trong các văn bản, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá…
“Đến nay, có thể nói, áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam” - GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định.
Trong bối cảnh đương đại, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự thay đổi điều kiện văn hóa - xã hội, sự gia tăng giao lưu và hội nhập quốc tế, áo dài Việt Nam tiếp tục có biến đổi. Nhưng đó là sự biến đổi cần thiết để áo dài được tiếp thêm luồng sinh khí mới, cải biến phù hợp hơn với cuộc sống đương đại, với nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ của con người thời nay.
Với sự nỗ lực của đội ngũ họa sĩ, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, áo dài được thời trang hóa với nhiều cách tân, sáng tạo táo bạo, kết hợp nét tinh hoa của văn hóa truyền thống với yếu tố thời trang hiện đại. Bên cạnh các nhà thiết kế gạo cội đã được biết đến trên thị trường thời trang quốc tế như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng… đã xuất hiện đội ngũ các nhà thiết kế trẻ gắn bó sự nghiệp đời mình với áo dài như: Lan Hương, Việt Hùng, Công Trí, Công Khanh…
Tuy nhiên, theo GS. TS. Từ Thị Loan, để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi áo dài, trong đó quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng áo dài.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghệ thời trang áo dài mang thương hiệu Việt Nam. Muốn thế, việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia, chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ hay nỗ lực của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội.
Hưởng ứng Tuần lễ Áo dài, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động, như: hơn 1.400 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn sẽ đồng diễn áo dài; các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức về nguồn dâng hương đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, trao tặng áo dài, tủ áo dài yêu thương; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai tổ chức trưng bày áo dài “Tôi yêu áo dài Việt”, đồng diễn dân vũ tập thể của 400 cán bộ, hội viên phụ nữ...