Nguyên nhân được cho là các trợ giảng phải xin nghỉ vì tiền lương không đủ chi trả cho cuộc sống trong mùa đông sắp tới.
Các hiệu trưởng trên khắp nước Anh cho biết trường học đang thiếu hụt vị trí trợ giảng và các nguồn nhân lực quan trọng khác. Cùng với đó, nhiều giáo viên hỗ trợ cũng đang tìm việc làm thêm tại các siêu thị để kiếm thêm thu nhập vì mức lương của họ “như một trò đùa”.
Theo báo cáo của các trường học, ngày càng có nhiều trợ giảng xin nghỉ vì không đủ khả năng chi trả cho các hóa đơn năng lượng đắt đỏ và mua thực phẩm trong mùa đông năm nay. Thêm vào đó, các thông báo tuyển dụng cũng không thu hút được người đến xin việc khiến những người lãnh đạo nhà trường lo ngại. Họ cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh, đặc biệt là những trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Hơn nữa, lo lắng đến sinh hoạt phí cũng sẽ khiến giáo viên ngày càng khó tập trung vào việc giảng dạy.
Ông Sam Browne, hiệu trưởng tại trường tiểu học Radnage Church of England ở Buckinghamshire (Anh), cho biết một trong những trợ giảng giỏi nhất của trường đã xin từ chức vào tuần trước trong nước mắt vì cô ấy yêu công việc của mình nhưng không thể kiếm đủ tiền để xoay sở cho cuộc sống.
“Cô ấy có một đứa con đang ở nhà trẻ và vào thời điểm phải trả phí trông trẻ, cô ấy chỉ kiếm được 10 bảng Anh một ngày”, ông nói. "Điều đó trước đây vốn đã rất khó khăn, nhưng bây giờ cô ấy không thể sống sót bằng đồng lương ít ỏi hiện nay".
Ông Browne nói thêm: "Việc trả lương cho các trợ giảng và nhân viên hỗ trợ như là một trò đùa".
Các hiệu trưởng nhận thấy trường học sẽ phải vật lộn để tăng thêm 1.925 bảng Anh tiền lương cho nhân viên hỗ trợ bằng tiền trợ cấp của chính quyền địa phương và chấp nhận sẽ không có thêm tiền hay khoản phí nào cho các hoạt động ngoại khóa vào đầu mùa hè. Nhưng đây chỉ là tạm thời, không phải là một giải pháp lâu dài giải quyết tận gốc vấn đề.
Trường tiểu học Long Furlong ở Abingdon, Oxfordshire, đã tuyển dụng trợ giảng hỗ trợ 1-1 cho trẻ em dễ bị tổn thương, có nhu cầu đặc biệt trong hơn một năm. Họ có hai vị trí tuyển dụng giống nhau và đang đăng tin tuyển lần thứ năm.
Carol Dunne, hiệu trưởng của trường, cho biết: “Tôi vừa đăng lại tin tuyển dụng trên mạng xã hội, bên cạnh một tin tuyển dụng của siêu thị Aldi tại địa phương”. Siêu thị này trả mức lương 11,40 bảng một giờ cho vị trí cần tuyển, còn trường học trả £10 một giờ. Vì vậy, nhiều người chọn công việc trong siêu thị hơn.
Hiệu trưởng Dunne chia sẻ thêm rằng một ứng cử viên tốt đã rút lui gần đây khi cô ấy nhận ra rằng làm việc ở trường còn có mức lương tệ hơn là làm ở chỗ khác.
Claire Pegler, trợ giảng toàn thời gian tại một trường tiểu học ở Gloucestershire, hiện đang làm ca tối và cuối tuần tại siêu thị để kiếm thêm thu nhập trang trải phí sinh hoạt. Cô chia sẻ đang gặp khó khăn và không biết phải làm gì. “Tôi không muốn rời trường học, nhưng tôi đang cân nhắc xem liệu tôi có thể xoay sở tốt hơn với công việc toàn thời gian ở siêu thị hay không".
Hai trong số các đồng nghiệp làm trợ giảng của cô Pegler tại trường sẽ phỏng vấn để làm thêm công việc siêu thị vào tuần tới. Trường của cô đã đăng tin tuyển dụng trợ giảng từ tháng 4 năm ngoái và gần đây đã nhận hai nhân viên học việc vì không có ứng viên đăng ký. “Tôi yêu công việc của mình, nhưng tôi hiểu lý do tại sao mọi người không nộp đơn ứng tuyển”, cô Pegler nói. “Trừ khi vợ hoặc chồng bạn có mức thu nhập tốt, nếu không, lương trợ giảng sẽ không thể chi trả cho cuộc sống.”
Steve Howell, hiệu trưởng tại Trường City of Birmingham, một trường học cho học sinh từ 5 đến 16 tuổi, cho biết: “Cách đây 5 năm, chúng tôi đã đăng tin tuyển dụng 2 trợ giảng và nhận được đơn đăng kí của 150 người. Bây giờ may mắn lắm là được 3 hoặc 4 đơn. Chúng tôi hiện đang cần tuyển 10 trợ giảng nhưng có rất ít người quan tâm”.
Hầu hết các học sinh tại trường của thầy Howell đều có nhu cầu đặc biệt, “không hài lòng và không muốn đến trường” khi các em nhập học. Nhà trường sử dụng số lượng trợ giảng lớn hơn mức trung bình để hỗ trợ học sinh và cho rằng trợ giảng là “mạch máu của trường học”.
“Họ thường là những người mà lũ trẻ tìm đến khi chúng tức giận hoặc khó chịu. Trợ giảng hỗ trợ giảm thiểu các vấn đề hành vi tiêu cực leo thang, để giáo viên có thể tiếp tục giảng dạy”, thầy Howell giải thích thêm.
Cũng như việc không thể tuyển dụng, việc bám trụ nghề của các trợ giảng là một "vấn đề lớn". Lần đầu tiên trong 10 năm lãnh đạo trường học của mình, vị hiệu trưởng này gặp tình huống các trợ giảng không thể tiếp tục làm công việc của mình nữa. Thay vào đó, họ làm việc trong một cửa hàng, siêu thị trả cho họ mức lương cao hơn.
Ông cho biết: “Những người làm việc tận tâm, có kinh nghiệm không thể tự tăng tiền lương của mình lên, trong khi đó hóa đơn sinh hoạt trong gia đình tăng cao. Còn các trường học không thể tuyển dụng nhân viên mới là một thảm họa đối với nền giáo dục".
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh bày tỏ: “Chúng tôi biết ơn công việc của tất cả các nhân viên hỗ trợ trong giáo dục và cũng nhận ra rằng các trường học – cũng như xã hội nói chung - đang phải đối mặt với áp lực từ chi phí”.
Chính phủ nước này đang trong quá trình nỗ lực tăng mức tài trợ cho trường học thêm 4 tỷ bảng Anh trong năm nay, cũng như giới hạn các hóa đơn năng lượng phải chi trả cho người dân và nhân viên trong ngành giáo dục.
Nguồn: https://amp.theguardian.com