Hội nghị thường niên IMF - WBG là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy các tổ chức tài chính toàn cầu hợp tác chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế thế giới và tài chính quốc tế. Hội nghị thường niên 2024 có sự tham dự của đoàn đại biểu Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dẫn đầu cùng đại diện các lãnh đạo Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước và đại diện lãnh đạo 04 Ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Agribank.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF đã tổng kết tình hình kinh tế thế giới trong năm 2024 với 3 kết quả nổi bật: lạm phát toàn cầu giảm nhờ sự hiệu quả của các chính sách tiền tệ quyết liệt, sự ổn định của chuỗi cung ứng và giá thực phẩm, năng lượng có xu hướng giảm do kiểm soát lạm phát tốt, cải thiện chuỗi cung ứng và tăng sản lượng.
Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva cũng cảnh báo về những khó khăn mà thế giới đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong dài hạn như: nợ công cao, năng suất lao động chững lại và những nguy cơ từ căng thẳng địa chính trị, bảo hộ thương mại. Bà Kristalina Georgieva tiếp tục nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ ở mức trung bình thấp, khó có thể đáp ứng mục tiêu xóa đói giảm nghèo và nhu cầu việc làm, đồng thời thể hiện quyết tâm của IMF trong việc tìm kiếm các giải pháp hợp tác để thúc đẩy kinh tế toàn cầu, giảm căng thẳng và đối phó với những thách thức mới nổi.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, ông Ajay Banga, Chủ tịch WBG đã nhấn mạnh những bước tiến lớn của WBG trong việc hỗ trợ phát triển toàn cầu. Ông đặc biệt đề cập đến việc tăng cường hiệu quả của hoạt động và khả năng giải ngân của WBG, nhằm đáp ứng nhanh hơn nữa nhu cầu hỗ trợ vốn của các quốc gia đang phát triển. Ông đồng thời nhấn mạnh vai trò của WBG trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giảm nghèo đói, đặc biệt trong bối cảnh thách thức toàn cầu như nợ công tăng cao và những tác động từ biến đổi khí hậu. Ông Ajay Banga cũng khẳng định mục tiêu trong dài hạn tập trung vào tài trợ vốn cho phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Agribank với mục tiêu tiến tới ngân hàng thương mại hiện đại, hội nhập quốc tế đang đứng trước cơ hội và thách thức mới. Sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới cùng với hội nhập toàn cầu sâu rộng mở ra những cơ hội cho Agribank tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ quốc tế, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính.
Mặt khác, xu hướng ứng dụng công nghệ tài chính (FINTECH), phát triển tài chính xanh và bền vững trên thế giới tạo điều kiện cho Agribank thúc đẩy chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ tài chính hiện đại cho khu vực nông thôn, thu hút nguồn vốn xanh từ các tổ chức quốc tế đầu tư vào các dự án nông nghiệp bền vững mà Agribank đang hỗ trợ.
Bên cạnh những cơ hội tiềm năng, Agribank cũng như các Ngân hàng thương mại khác đang đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp, như: cạnh tranh gay gắt từ các tổ chức tài chính quốc tế có nền tảng công nghệ và dịch vụ khách hàng tiên tiến hơn; gia tăng các rủi ro về an ninh mạng, dữ liệu khách hàng đòi hỏi công nghệ bảo mật hiện đại; đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao trong lĩnh vực quản trị rủi ro và phát triển bền vững; ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị đến doanh số thanh toán quốc tế…
Sự tham gia của Đoàn đại biểu Agribank tại sự kiện thường niên quan trọng này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Agribank đóng góp vào những nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu cũng như hành trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để Agribank tiếp cận các xu hướng mới trong chính sách tài chính quốc tế, các chiến lược phát triển bền vững và cách thức ứng phó với rủi ro toàn cầu.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn công tác Agribank cùng Đoàn Ngân hàng Nhà nước đã làm việc cùng Phó Chủ tịch WBG về nguồn vốn quốc tế và các dự án ngân hàng phục vụ dành cho Việt Nam, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai nước. Bên lề Hội nghị, Đoàn công tác đã làm việc với một số định chế tài chính, đối tác có quan hệ hợp tác chiến lược với Agribank.
IMF và WB là hai tổ chức tài chính quốc tế có quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu năm với Agribank. WB hiện nay là nhà tài trợ lớn nhất của Agribank trong lĩnh vực Dự án quốc tế. Đến ngày 31.8.2024, Agribank đã tiếp nhận và triển khai lũy kế 84 dự án Ngân hàng phục vụ do WB tài trợ với tổng trị giá tương đương 5 tỷ USD và 06 dự án Tín dụng vay vốn từ WB với tổng trị giá gần 6.500 tỷ VND.
Một số dự án tiêu biểu do WB tài trợ có thể kể đến: Dự án Tài chính nông thôn I, II, III và dự án Phát triển nông nghiệp bền vững (VNSAT). Đây là những dự án Agribank triển khai hợp tác với WB từ năm 2010 và luôn được đánh giá là Định chế tài chính giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn dự án. Nguồn vốn dự án đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính một cách bền vững cho các hộ gia đình, cá nhân, từ đó giúp tăng thu nhập, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại các tỉnh thực hiện dự án. Ngoài ra, năm 2024 đánh dấu sự hợp tác giữa Agribank và WB trong việc nâng cao năng lực hoạch định chính sách, khuôn khổ thúc đẩy phát triển tài chính bền vững thông qua dự án tài trợ kỹ thuật hỗ trợ Agribank xây dựng khung tài chính xanh phù hợp với quy định trong nước và thông lệ quốc tế.
Về phía IMF, định kỳ hằng năm IMF đều tổ chức các buổi làm việc song phương giữa Đoàn tham vấn của IMF và đại diện Ban Lãnh đạo Agribank nhằm cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động kinh doanh của Agribank để đưa ra các tư vấn, đánh giá, đề xuất về chính sách vĩ mô trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại, cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), thường được gọi tắt là Ngân hàng Thế giới (WB), bao gồm 05 tổ chức tài chính thành viên là Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Quốc tế giải quyết mâu thuẫn đầu tư (ICSID) và Cơ quan Đảm bảo đầu tư đa phương (MIGA), thành lập năm 1944 với mục tiêu cung cấp những khoản vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển, thông qua các chương trình vay vốn và giảm thiểu đói nghèo. Hiện nay, WBG có 189 quốc gia thành viên.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là định chế tài chính đa quốc gia được thành lập vào năm 1944 với mục đích thúc đẩy hợp tác tiền tệ và đảm bảo an ninh hệ thống tiền tệ toàn cầu, đảm bảo ổn định tài chính, tạo điều kiện phát triển thương mại quốc tế, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm đói nghèo trên toàn thế giới. Hiện nay IMF có 191 quốc gia thành viên.