Động lực kinh tế số

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:00 - Bản đầy đủ
Sáng nay, Ủy ban Kinh tế họp mở rộng, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Khóa XV. Một trong những xu thế kinh tế nổi bật nhất, một điểm sáng góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước trong 5 năm vừa qua, đồng thời được dự báo đóng vai trò động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trong thập kỷ sắp tới chính là sự phát triển của kinh tế số. Nhận diện đúng và từ đó tìm lời giải chính sách trúng để kích hoạt mạnh mẽ khu vực kinh tế đầy tiềm năng này là yêu cầu quan trọng đặt ra cho Ủy ban Kinh tế trong tiến trình giúp Quốc hội ở giai đoạn bước ngoặt đầu nhiệm kỳ.

Hôm đầu tuần, thông tin từ doanh nghiệp nắm bản quyền trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Indonesia cho biết, trận cầu dù diễn ra lúc nửa đêm đã lập kỷ lục về số người xem trên internet với 2 triệu người xem trực tuyến trên các nền tảng Youtube và Facebook.

Trong 5 năm qua, để chọn ra thứ thay đổi sâu sắc đời sống, kinh doanh và các hoạt động xã hội của người Việt Nam thì đó là chiếc điện thoại thông minh. Và 45% dân số Việt Nam đang sở hữu điện thoại thông minh. Những kỷ lục về người xem bóng đá trực tuyến hay nghe Rap Việt trực tuyến vì vậy sẽ còn liên tục bị phá vỡ và trở thành một điều bình thường. Thay vì bật tivi, người Việt, đặc biệt người Việt trẻ, sẽ vào “mạng”. Từ mua sắm trực tuyến; giải trí, tìm kiếm thông tin; và sau Covid-19 là làm việc; khám chữa bệnh, học hành… tất cả đều diễn ra trên môi trường internet. Trong năm 2020, thời điểm giãn cách xã hội, trung bình người Việt dành 4,2 giờ mỗi ngày truy cập internet. Ngoài thời điểm giãn cách, con số vẫn ở mức rất cao: 3,5 giờ mỗi ngày.

Trong 5 năm qua, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất chính là kinh tế số hay còn gọi dưới tên khác là kinh tế dựa vào internet. Từ quy mô 3 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2020 kinh tế số đạt 14 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025. Trong 5 năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt gần 40% - không có lĩnh vực nào tăng trưởng “thần kỳ” như vậy. Trong các lĩnh vực chính của kinh tế số được thống kê - gồm thương mại điện tử, vận tải và giao nhận thực phẩm; truyền thông trực tuyến; du lịch trực tuyến, thì thương mại điện tử đạt mức tăng 46% trong năm 2020 so với năm 2019 (1). Rõ ràng “mua bán online” và “đội quân shipper” là những người hùng đứng đằng sau việc duy trì một đời sống xã hội và thương mại bình thường trong những thời điểm khó khăn vì Covid-19.

Nhưng ảnh hưởng lan tỏa của kinh tế số chắc chắn lớn hơn như vậy. Các nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng không chỉ trong các ngành lõi của kinh tế số kể trên, công nghệ số giúp các ngành khác gia tăng hiệu quả rõ rệt nhờ vào cắt giảm chi phí giao dịch. Trong cùng kỳ 5 năm, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) tăng vượt mức yêu cầu của Quốc hội. Năng suất lao động cũng được cải thiện. Dù chưa có những phân tích chi tiết để biết được đóng góp của công nghệ số trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên, từ các chỉ số thống kê, có căn cứ để tin vào vai trò tích cực của yếu tố công nghệ số.

Nhìn về 10 năm sắp tới, kinh tế số hoàn toàn có thể là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Công nghệ số mới chỉ bước đầu thâm nhập vào các lĩnh vực thương mại, truyền thông, vận tải, tài chính. Tiềm năng rất lớn về tăng trưởng vẫn còn phía trước. Tiếp bước E-commerce, Fintech (công nghệ tài chính) sẽ là Edtech (công nghệ giáo dục), Heath-tech (công nghệ y tế), rồi nông nghiệp, năng lượng… Phát huy được động lực tăng trưởng mới này còn ý nghĩa hơn ở chỗ: Công nghệ số giúp giải bài toán năng suất lao động thấp - điểm nghẽn cốt tử của nền kinh tế Việt Nam. Và dài hạn hơn, khi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không còn là chỗ dựa, tự động hóa, công nghệ in 3D dần khiến chuỗi sản xuất chuyển dịch về các nước phát triển và khiến Việt Nam mất lợi thế trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì các dịch vụ số; các công nghệ có giá trị gia tăng cao dựa vào khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ máy tính càng cần thiết hơn trở thành chỗ dựa cho Việt Nam.

Đóng góp không chỉ dừng lại ở đó, khi công nghệ số cũng hứa hẹn là chìa khóa giải quyết hai bài toán căn bản khác của Việt Nam trong tiến trình phát triển: Quản trị tiến trình đô thị hóa để biến đô thị trở thành khu vực đáng sống (nhờ dịch vụ đô thị thông minh) và giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ mới do đó cần có sự ưu tiên thỏa đáng cho kinh tế số. Trong khi đổi mới, sáng tạo công nghệ là việc của doanh nghiệp; thì vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng trong đầu tư cho hạ tầng số quốc gia (hạ tầng kết nối (5G), hạ tầng điện toán đám mây) và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp số. Giải những bài toán về tài sản số, về thuế; về hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng kết nối và hạ tầng dữ liệu; về thương mại số xuyên biên giới, về xử lý tranh chấp trên môi trường số… là những công việc nặng nề đặt trên bàn Quốc hội nhiệm kỳ mới.

______________

(1). Số liệu trích dẫn từ thống kê thường niên về Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain&Company thực hiện.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP