Các nhà quan sát cho biết, hội nghị được triệu tập vào một thời điểm quan trọng khi Trung Quốc vẫn kiên định hướng tới Tầm nhìn "100 năm lần thứ hai”, với mục tiêu tối thượng là xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao vào năm 2035.
Ở trong nước, nền kinh tế Trung Quốc bước sang năm giảm phát thứ 3 liên tiếp. Nguyên nhân chính là do khủng hoảng bất động sản, lĩnh vực đóng góp hơn 1/3 GDP Trung Quốc. Mất thanh khoản nghiêm trọng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã và đang gây ra “núi nợ” khổng lồ tại các địa phương và gia tăng áp lực từ xu hướng già hóa dân số.
Ở bên ngoài, những thay đổi sâu sắc đã diễn ra trong môi trường quốc tế trong bối cảnh các rào cản thương mại và cấm vận liên tục được dựng lên, xung đột phe phái và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Các nhà kinh tế cho biết những hoàn cảnh phức tạp đó đòi hỏi ban lãnh đạo Đảng Trung Quốc phải đánh giá lại tình hình và xây dựng thiết kế cấp cao để vượt qua vùng nước đầy sóng gió. Dưới đây là 5 vấn đề cải cách cơ bản mà dư luận đặc biệt quan tâm về kỳ hội nghị quan trọng này.
1. Công bố gói kích thích kinh tế lớn
Tại Hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo mới Diễn đàn Kinh tế Thế giới - hay còn gọi là “Davos mùa Hè” - vào cuối tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã phát biểu rằng, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc, giống như một bệnh nhân vừa khỏi bệnh, cần phải phục hồi dần dần và trở lại bình thường.
Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc công bố một gói kích thích kinh tế tại hội nghị lần này là rất thấp. Theo truyền thống, các kỳ Hội nghị Trung ương lần thứ 3 là dịp để ban lãnh đạo Đảng đưa ra những cải cách toàn diện, vạch ra lộ trình kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới, thay vì giải quyết các vấn đề trước mắt. Các quan chức Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định “làm ngập nền kinh tế” bằng các biện pháp kích thích.
Hơn nữa, một gói kích thích khổng lồ không phù hợp với triết lý quản trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, nơi mà nhiều nguồn lực và trọng tâm hơn được dành cho các lĩnh vực được coi là quan trọng để tăng cường sức mạnh cốt lõi của quốc gia - không bao gồm tài chính.
2. Xây dựng nền tảng mới cho nhà ở và đất đai
Vào ngày 17.5, Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách nhằm ổn định thị trường bất động sản ở cả phía cung và cầu, hạ lãi suất thế chấp và công bố chương trình cho vay lại 300 tỷ nhân dân tệ (41,3 tỷ USD) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương về cải cách toàn diện sâu sắc vào ngày 19.2 do Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì - một văn kiện về cải cách hệ thống quản lý đất đai của đất nước đã được thông qua.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, nhà ở sẽ được đề cập tại cuộc họp vì tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trái ngược với một số kỳ vọng về sự phục hồi của ngành thông qua một gói cứu trợ mạnh mẽ hơn, các nhà quan sát tin rằng chính phủ có nhiều khả năng thực hiện các cải cách cơ cấu để ổn định và cuối cùng là giảm bớt gánh nặng của nhà ở trong nền kinh tế nói chung. Theo quan điểm của Chính phủ, đề xuất giá trị của ngành đã thay đổi - từ một động lực kinh tế thành một rủi ro cần được giải tỏa. Chính phủ Trung Quốc sẽ xác định ngành nào có thể đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế mới để lấp đầy khoảng trống do ngành bất động sản để lại.
Về chính sách đất đai nông thôn - có mối tương quan cao với năng suất tổng hợp và tính di động của lao động - các chuyên gia tin rằng một số thay đổi chính sách có thể được đưa ra. Câu hỏi là quy mô của những thay đổi đó sẽ như thế nào. Xu hướng cải cách ruộng đất nông thôn được thực hiện tại thành phố Trùng Khánh - nơi quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc sở hữu tập thể được phép bán cho các nhà phát triển hoặc nhà đầu tư - khó có thể triển khai trên toàn quốc vì sự an toàn của nông dân thu nhập thấp là một cân nhắc chính đối với các nhà hoạch định chính sách.
3. Phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”
Trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc đã đặt sự đổi mới lên hàng đầu, với cụm từ “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, với trọng tâm là “năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất công nghệ cao” nhằm mục đích thúc đẩy năng suất, xuất hiện ngày càng nhiều trong văn kiện - một cụm từ ám chỉ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công nghệ và các ngành công nghiệp mới nổi khác.
Vì thế, hội nghị lần này là thời điểm để đưa ra những chỉ dấu cụ thể cho các biện pháp thúc đẩy khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược. Thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước phát triển và nâng cao chuỗi giá trị sẽ đặt nền tảng vững chắc để Trung Quốc duy trì sức cạnh tranh trong nhiều thập kỷ tới. Đặc biệt, chiều sâu và phạm vi cam kết của Trung Quốc trong lĩnh vực này là những chủ đề thiết yếu.
4. Tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài
Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế. Sau đó vào cuối tháng 6 đầu tháng 7, Thủ tướng Lý Cường và Phó Thủ tướng Hạ Lập Phong lần lượt đưa ra lời kêu gọi các đầu tư nước ngoài tăng cường quan tâm tới thị trường Trung Quốc.
Đây là những chỉ dấu cho thấy, thúc đẩy cải cách và mở cửa thị trường theo truyền thống sẽ là chủ đề của Hội nghị toàn thể lần thứ 3. Việc xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy niềm tin của khu vực tư nhân quan trọng hơn bao giờ hết để phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là khi xét đến căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ và phương Tây nói chung - cũng như những tác động hạ nguồn của chúng đối với thương mại. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm là thảm đỏ này sẽ hấp dẫn đến đâu?
5. Thúc đẩy cải cách, mở rộng thị trường
Trước thềm Hội nghị Trung ương 3, các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc liên tục hiến kế để mở cửa thị trường hơn nữa. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu độc lập Beijing Dacheng với lãnh đạo các công ty tư nhân lớn, đa số những người được hỏi bày tỏ hy vọng Hội nghị Trung ương lần thứ 3 sẽ “đưa ra những cải sách sâu rộng hơn nữa với hệ thống kinh tế, để thị trường có thể đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, tạo ra một môi trường kinh doanh định hướng thị trường, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu khác”. Họ cho rằng, doanh nghiệp tư nhân nên được tiếp cận mọi lĩnh vực không bị cấm và đã mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể cảm thấy thất vọng vì hội nghị sẽ tiếp cận các biện pháp cải cách thị trường một cách thận trọng. Bản chất các biện pháp cải cách Trung Quốc là chủ nghĩa thực dụng, nhấn mạnh các điều kiện khiến thay đổi trở nên khả thi và các quyết định hướng đến kết quả.
Việc điều chỉnh chính sách tài khoản vốn của Trung Quốc gần đây là một ví dụ hữu ích. Hội nghị Công tác tài chính quốc gia năm 2017 đã quyết định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa tài khoản vốn. Nhưng Hội nghị năm 2023 đã hủy bỏ cách tiếp cận này, thay vào đó, họ quyết định tập trung vào việc thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài và vốn dài hạn vào Trung Quốc. Sự thay đổi trong lập trường chính sách này được thúc đẩy bởi mối lo ngại ngày càng tăng về rủi ro tài chính. Và việc Trung Quốc quyết định tạm dừng tự do hóa tài khoản vốn cho đến khi rủi ro tài chính trong nước được kiểm soát là đúng đắn.
Sự leo thang căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là chính sách "sân nhỏ, hàng rào cao" được một số nước phương Tây áp dụng, cũng làm thay đổi phân tích chi phí -lợi ích của chính sách tự do hóa của Trung Quốc, làm tăng tầm quan trọng của các vấn đề an ninh quốc gia.
Trong khi nhiều chuyên gia kêu gọi một chương trình tự do hóa táo bạo hơn, hội nghị lần này có thể sẽ tiếp tục truyền thống thực dụng bằng cách công bố một loạt các chính sách cố gắng giải quyết một số "nút thắt" đối với tăng trưởng năng suất và cải thiện phúc lợi.