Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá sản phẩm du lịch cũng là một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội. Các tour linh động về thời gian, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều lựa chọn cho du khách.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, đa số đơn vị lữ hành đều xây dựng tour 1 ngày, tour 3 ngày 2 đêm, hoặc 4 ngày 3 đêm, trong đó tour 4 ngày 3 đêm được thiết kế sát với thời gian diễn ra các hoạt động của Lễ hội để tạo điều kiện cho du khách tham quan du lịch, tham gia.
Du khách có thể lựa chọn tour phù hợp để tham gia các hoạt động chính của Lễ hội như: Lễ khai mạc, Lễ hội đường phố, Hội voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Lễ hội Ánh sáng, thưởng thức vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.
Các đơn vị lữ hành khi thiết kế, xây dựng các tour đã chú trọng quảng bá, đưa các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh vào chương trình để du khách tham quan như: Làng cà phê Trung Nguyên, Bảo tàng Thế giới cà phê, Khu du lịch sinh thái Văn hóa cộng đồng Ko Tam, Khu du lịch Hồ Lắk, Buôn Ako Dhông, Núi đá Voi - Yang Tao, Khu lịch cầu treo Buôn Đôn, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Khu Du lịch sinh thái Troh Bư…
Nhiều tour hướng đến hoạt động du lịch trải nghiệm như đạp xe, leo núi, chèo thuyền vượt thác sông Sêrêpôk, tắm sông tại khu du lịch sinh thái Dray Nur; đạp xe 3 tiếng trong rừng, tham quan tìm hiểu các loài động thực vật tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Đặc biệt, một số tour thiết kế cho du khách tìm hiểu đời sống, văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của người Ê đê, người M’nông và văn hóa, ẩm thực của người Lào ở Tây Nguyên.
Các tour còn hướng tới quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Cụ thể như tạo điều kiện cho du khách chiêm ngưỡng các loại cây cà phê, gốc cà phê trên 30 năm tuổi, tìm hiểu lịch sử nguồn gốc và các loại cà phê phổ biến, giá trị của cây cà phê, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, thưởng thức sản phẩm cà phê, tham quan cơ sở rang xay cà phê; đồng thời tham quan vườn ca cao, cao su, hồ tiêu.