Sáng 5.11, VUSTA tổ chức hội thảo Sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quyết định 362).
Theo TS. Lê Công Lương, sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định 362 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng báo chí và phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Quy hoạch giúp giảm thiểu sự phân tán, tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số, đồng thời bảo đảm vai trò của báo chí trong việc truyền tải thông tin chính xác, kịp thời, khách quan đến người dân.
Cụ thể, số lượng cơ quan báo chí đã được tinh giản đáng kể, từ hơn 800 cơ quan báo chí trên toàn quốc xuống còn khoảng 500 cơ quan. Riêng đối với VUSTA, số lượng cơ quan báo chí (gồm báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử) đã giảm từ 400 xuống hiện còn 69 (gồm 01 báo và 68 tạp chí). Số lượng báo và tạp chí do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp và gián tiếp quản lý là 22 cơ quan báo chí.
Đáng chú ý, trong số 68 cơ quan tạp chí trực thuộc, có 27 tạp chí được cộng điểm, tính điểm trong xét học hàm, học vị giáo sư. “Đây là điều đáng tự hào”, TS. Lê Công Lương nhấn mạnh.
Dù vậy, đại diện VUSTA cho rằng, việc sáp nhập và tái cơ cấu các cơ quan báo chí trực thuộc đã gặp những khó khăn, dẫn đến bất ổn về nguồn nhân lực và tài chính. Một số cơ quan báo chí gặp khó trong việc thích nghi với mô hình hoạt động mới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ truyền thông xã hội và các nền tảng truyền thông số khác. Một số phóng viên, cộng tác viên thiếu việc làm, mất việc; một số phóng viên vi phạm bị xử lý…
Thời gian tới, để các cơ quan báo chí trực thuộc VUSTA hoạt động hiệu quả hơn, đại diện VUSTA nêu rõ, đối với cơ quan báo chí, cần tập trung vào ứng dụng công nghệ số, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đổi mới nội dung và hình thức truyền tải, tăng cường đạo đức nghề nghiệp cũng như xây dựng chiến lược tài chính bền vững.
Đối với các tạp chí khoa học, cần nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng thông qua áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, như yêu cầu về phản biện, mức độ minh bạch trong quy trình xuất bản và tính độc lập trong đánh giá các bài báo, công khai hóa quy trình phản biện. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số (xuất bản trực tuyến), xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu mở để tạo điều kiện cho các nhà khoa học và công chúng tiếp cận công trình nghiên cứu.
Song song, cần đổi mới cơ chế tài chính và mô hình hoạt động, tìm kiếm các nguồn tài trợ đa dạng; phát triển đội ngũ biên tập và phản biện chất lượng; tăng cường hợp tác với các tạp chí uy tín quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với mạng lưới các nhà khoa học quốc tế…
Nhấn mạnh đối với các tổ chức khoa học, dù trong hay ngoài nhà nước, nếu hoạt động tốt, có đủ điều kiện, nhất là nhân sự, thì việc có tạp chí khoa học sẽ tốt hơn, Phó Tổng thư ký VUSTA Lê Công Lương đề xuất, nếu những tổ chức khoa học đủ điều kiện thì nên xem xét cho ra đời các tạp chí khoa học phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của tổ chức. Ngược lại, nếu những tạp chí vi phạm pháp luật, điều lệ, giấy phép hoạt động thì cần xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép.