Đây là kiến nghị của ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) tại phiên thảo luận về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ngày 4.11.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch Covid-19. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...
Liên quan đến việc phát triển thị trường trong nước hiện nay, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý, hệ thống giám sát, xử lý hành vi vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh tin cậy, công bằng và minh bạch.
Theo đại biểu, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới khoảng 31%, quy mô thị trường đạt 14,7 tỷ USD. Thực trạng gần đây cho thấy có một số sàn giao dịch thương mại điện tử ngang nhiên hoạt động khi chưa đăng ký sử dụng nền tảng số tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp Việt có thể thua ngay trên sân nhà. Điều nàykhông chỉ gây thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trước nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh.