Sẵn sàng trong mọi tình huống
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ tối ngày 3 đến sáng ngày 5.11, tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, mưa to. Trong ngày và đêm 5.11 có mưa to cục bộ, có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 70 - 150mm, có nơi trên 200mm. Mực nước trên các sông lên báo động 2, báo động 3.
Trong điều kiện hiện nay, các địa phương chịu thiệt hại do đợt bão lụt vừa qua vẫn đang khắc phục hậu quả, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung, chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó với đợt mưa lũ đầu tháng 11 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng lưu ý, để chủ động ứng phó với mưa lũ, cần khẩn trương tổ chức khắc phục nhanh hậu quả của đợt mưa lũ trước nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; đặc biệt cần sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nhân dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên ngập lụt sâu. Đồng thời, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công, an toàn hồ đập và vùng hạ lưu. Thường xuyên thông tin kịp thời diễn biến của mưa, lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Trong đợt bão lụt vừa qua, với phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình hình mưa lũ, địa chất... từ đó sớm di dời khẩn cấp nhiều hộ dân khi có dấu hiệu sạt lở và nước lũ lên nhanh.
Người dân chủ động trước thiên tai
Tại các địa bàn huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thuỷ, sau 3 ngày ngập sâu, hiện người dân đang sớm ổn định lại cuộc sống và hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình, tỉnh Quảng Bình khuyến cáo người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, pin dự phòng… chưa cần thiết đưa đồ đạc, tài sản xuống thấp, cần tiếp tục để nơi cao hoặc di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn, tuyệt đối không chủ quan khi di chuyển, thực hiện các biện pháp ứng phó trong mưa lũ. Đặc biệt, quan tâm đến người già, trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ cao như đồi Phòng không, xã Đức Hoá; sạt lở thôn 8, thị trấn Quy Đạt; thôn Rục, xã Hồng Hoá; bản Tân Ly, xã Lâm Thuỷ,… khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên bị ngập sâu. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng, bè nuôi thuỷ sản khi mưa lũ xảy ra.
Trong đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua, nhà của chị Trần Thị Phụng (SN 1978), nằm tại thôn Đại Phong, xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, ngập sâu khoảng 2m. Nhận được thông tin khuyến cáo của địa phương, chị vẫn chưa hạ kê tài sản xuống mà sẵn sàng nhu yếu phẩm, thuốc men cho đợt mưa lũ đang diễn ra.
“Sau bão lụt, chúng tôi rất cần nước sạch và một số thuốc men về ngoài da và tiêu hoá, có được địa phương và một số nơi hỗ trợ, trước mắt đủ để chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ cho đợt lũ đang diễn ra”, chị Trần Thị Phụng cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cũng cho biết thêm, tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp trên địa bàn; vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm những đợt mưa lũ trước, phát huy kết quả đạt được để ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thực hiện, quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường công tác tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác diễn biến mưa lũ và tình hình thiệt hại.
“Chủ động rà soát một lần nữa việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu, pin dự phòng... tại vùng thường xuyên bị chia cắt, đề phòng mưa lũ kéo dài. Bảo đảm an toàn đối với công trường thi công, nhất là các công trình đê, kè, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh. Triển khai các phương án bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước và vùng hạ du”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.