Vượt núi, băng rừng, bám bản
“6 giờ sáng tôi đi xe ôm đi từ trung tâm huyện Mường Tè, khoảng 2 giờ chiều tôi gặp thầy hiệu trưởng ở trung tâm xã Tà Tổng. Tôi hỏi thầy hiệu trưởng sắp đến (điểm trường) chưa, thầy nói sắp rồi. Thế nhưng, "ối giời ơi", từ trung tâm xã đi xe ôm khoảng 30km, mất thêm 2 ngày đi bộ nữa mới đến điểm trường Nậm Ngà”.
Thầy Hoàng Văn Đức, quê Hải Dương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nhớ lại và chia sẻ thêm câu chuyện dở khóc dở cười của mình. Đó là khi đến nhận nhiệm vụ công tác, thầy Đức “đóng bộ” áo sơ mi, quần âu và giày tây, kết quả là ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, đôi chân thầy rướm máu vì phải đi bộ một quãng đường dài và dốc.
Cũng lên công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà từ năm 2003, thầy Phạm Thế Anh, quê ở Thái Bình, bộc bạch, ở dưới xuôi, có mấy khi đi bộ vài cây số bao giờ đâu, một bước lên xe phóng vèo vèo là đến nơi, thế mà phải đi bộ mấy ngày mới tới điểm trường giảng dạy. Hồi ấy thầy Văn Anh vừa ra trường, người quen giới thiệu nên nộp hồ sơ lên Lai Châu công tác. “Hôm nay nộp thì mai có quyết định luôn. Thế là, vừa ra trường lên Mường Tè luôn, khi đó cũng không biết Mường Tè ở đâu, và cũng không biết khổ như thế này”, thầy Anh chia sẻ.
Sau 17 năm “cắm bản”, cô Đặng Thị Hà, giáo viên điểm trường Nậm Ngà, Trường Mầm non Tà Tổng cũng đã trở thành người con “chính hiệu” của dân bản. Quê ở Phú Thọ, năm 2007, cô Hà tình nguyện lên Mường Tè dạy học, dù bố mẹ can ngăn. Nơi đầu tiên cô Hà được phân công đến dạy học là bản Tia Ma Mủ - điểm trường khó khăn nhất của xã Tà Tổng. Năm 2008, cô Hà được luân chuyển về bản Nậm Ngà và công tác ở đó tới nay.
“Ngày đó, Nậm Ngà chưa có lớp học mầm non. Tôi và phụ huynh chặt tre, lấy nứa về đan phên, dựng lớp. Có lớp rồi, tôi trèo đèo, lội suối đến từng nhà vận động cha mẹ cho trẻ đến trường. Có khi phải đi 5 - 6 lần mới gặp được phụ huynh. Nhiều trẻ nhút nhát còn chạy trốn cô giáo và không muốn đến lớp”, cô Hà nhớ lại.
“Rồi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp”
Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Mường Tè có 39 trường học và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, với tổng số 636 lớp, 15.546 học sinh. Các điểm trường nằm rải rác, mỗi điểm trường có 2 - 3 lớp 1 và lớp 2, sĩ số mỗi lớp khoảng 18 - 19 học sinh.
Dạy học ở các điểm trường xa, vất vả, khó khăn đủ đường, giờ đường không còn khó đi như trước nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn còn những điểm trường không có điện, không có sóng điện thoại. Nhiều thầy cô đến rồi lại đi bởi không chịu được môi trường thiếu thốn nơi đây. Có người lên dạy ở điểm trường được 2 tuần thì bỏ về.
20 năm gắn bó với Nậm Ngà, dù đã lập gia đình, nhưng vợ con thầy Nguyễn Văn Dành đã chuyển về Hòa Bình sinh sống để con cái tiện đi học. Một mình thầy Dành vẫn kiên nhẫn ở lại điểm trường, coi lũ trẻ như con. Phần lớn học sinh ở trường đều học nội trú nên giáo viên ở đây cũng tự coi mình như người cha, người mẹ thứ hai của trò. “Ở trên này, nhiều em khi về nhà không có cơm ăn, nhưng đến trường, được ăn, được học, thậm chí nhiều thầy cô còn tắm cho cả học sinh lớp 1. Như thế cũng coi như người bố người mẹ thứ 2 rồi còn gì. Nhiều khi đêm hôm, học sinh sốt cao, sóng điện thoại không có, thầy cô cũng phải vác xe máy đi tìm bố mẹ của trò…”.
Không chỉ chăm lo đời sống cho học trò mà hàng năm, cứ đến tháng 10 nhiều học sinh phải nghỉ học để ra nương phụ giúp bố mẹ. Thương trò nghỉ lâu sẽ quên bài vở và muốn tạo thêm sự gắn kết với người dân, thầy cô giáo của trường đã mở phong trào “về bản giúp dân”. Buổi sáng, thầy cô giáo vẫn lên lớp giảng dạy; buổi chiều xuống bản cùng bà con gặt lúa.
Cùng với sự kiên trì, bền bỉ vận động, giờ đây phụ huynh ở Nậm Ngà đã tự giác đưa con em đến trường, gắn kết, trân trọng thầy cô giáo hơn. “Tôi nghĩ, mình không chịu gian khổ thì ai sẽ dạy dỗ, chăm lo cho các em ở đây. Mình đã chọn nghề này, dù bất cứ nơi nào cũng hết sức cố gắng. Rồi mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp”, thầy Nguyễn Văn Dành tâm sự.