Bức thiết xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, Nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Một kỷ nguyên mới mở ra cho dân tộc: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Ngày 9.11.1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Hiến pháp năm 1946.
Tại Nghệ An,sau khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời trên địa bàn, nhất là ở các huyện miền núi phía Tây gặp nhiều khó khăn… Phần lớn đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ đều không biết chữ, nghèo đói, rất dễ bị các thế lực phản động xúi giục, lôi kéo, ép buộc chống phá chính quyền cách mạng non trẻ ngay tại địa phương. Trong khi đó lúc này, ở các huyện biên giới của Lào tiếp giáp với huyện Tương Dương và Quỳ Châu, các toán quân Pháp rút về tập trung tại đồn Noọng Hét. Cuối năm 1945 đầu năm 1946, quân đội Pháp đã lôi kéo, câu kết với lực lượng nội phản ngấm ngầm xây dựng lực lượng chống phá cách mạng... làm cho tình hình chính trị - xã hội ở các huyện biên giới càng bất ổn… Còn ở các huyện trung du, đồng bằng ven biển, trận lũ lụt lịch sử làm vỡ nhiều đoạn đê 42 dọc sông Lam, gây ngập lụt tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thị xã Vinh…
Trong bão táp đấu tranh của quần chúng Nhân dân, phần lớn quan trong chính quyền cũ đứng về phía cách mạng, nhưng vẫn còn một số im lặng chờ thời để câu kết với nhau chống phá chính quyền cách mạng… Riêng ở các châu, huyện, làng bản ở miền núi phía Tây, việc thành lập ngay chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng để xóa bỏ các thế lực phản động, ổn định đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, loại bỏ mọi âm mưu đánh chiếm vùng đất miền núi Nghệ An làm bàn đạp tiến về trung du, đồng bằng của thực dân Pháp càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Yêu cầu xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng từ làng xã, huyện, châu... trên toàn tỉnh để huy động mọi nguồn lực sức mạnh vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, loại bỏ ngoại xâm, nội phản trở thành yêu cầu bức thiết của Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An.
Ngày hội lớn của toàn dân
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 1.1946, Tỉnh ủy, chính quyền cách mạng lâm thời và mọi tầng lớp Nhân dân tỉnh Nghệ An đã gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện cho ngày Tổng tuyển cử. Ngoài những đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu, còn có một số đại biểu do các liên minh giới thiệu và cả một số đại biểu là nhân sĩ, trí thức, tư sản,... ứng cử tự do. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Khắp nơi trong tỉnh rợp trời cờ hoa, biểu ngữ với không khí rộn ràng, náo nức. Lực lượng công an và lực lượng vũ trang được phân công bảo vệ an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.
Từ mờ sáng ngày 6.1.1946, hàng vạn cử tri không phân chia đẳng cấp, tôn giáo, dân tộc đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Tại TP. Vinh - Bến Thủy và các huyện đồng bằng trung du, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt hơn 97%; riêng các huyện Tương Dương và Quỳ Châu, mặc dù tình thế khó khăn, giao thông trắc trở, nhưng cử tri tham gia bầu cử vẫn đạt hơn 90%...
Kết quả, các đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Tôn Thị Quế, Hồ Văn Ninh, Tạ Quang Bửu, Lê Viết Lượng, Trần Hữu Duyệt, Trần Văn Cung, Nguyễn Tạo... đều trúng cử với số phiếu hơn 95%. Đồng thời, cử tri tỉnh Nghệ An đã lựa chọn được 12 đại biểu ưu tú đại diện cho Nhân dân vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cả nước bầu được 333 đại biểu). Đồng chí Tôn Thị Quế là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Nghệ An.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I đã công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo Hiến pháp.
Tiếp đó, ngày 24.2.1946, cuộc bầu cử HĐND tỉnh cũng được tiến hành thắng lợi với sự tham gia của đại bộ phận cử tri. Kết quả, có 39 đại biểu đã được bầu vào HĐND tỉnh Nghệ An. Ngay sau đó, ngày 23.3.1946, HĐND tỉnh Khóa I khai mạc phiên họp đầu tiên. Riêng các địa phương trong tỉnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc tổ chức bầu cử HĐND các cấp không diễn ra trong cùng một thời gian và kéo dài từ ngày 24.2.1946 đến cuối tháng 5.1946 mới hoàn thành…
Các cuộc bầu cử trên thực sự là những ngày hội lớn của toàn dân Nghệ An, thể hiện lòng yêu nước, niềm tin tưởng sâu sắc với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện ý chí độc lập dân tộc, quyết tâm bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh... Qua đó, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vai trò, vị thế ngày càng được khẳng định, nâng cao
Kế thừa, phát huy mạch nguồn truyền thống văn hóa, cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã đoàn kết, nỗ lực viết tiếp trang sử hào hùng, làm nên diện mạo mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Đối với HĐND tỉnh Nghệ An, trên suốt chặng đường 78 năm qua (từ tháng 3.1946 đến nay), HĐND tỉnh đã không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi sứ mệnh Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, HĐND tỉnh Nghệ An đã cùng hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh gánh vác những trọng trách hết sức nặng nề: vừa ra sức xây dựng, bảo vệ hậu phương, vừa nỗ lực chi viện cho tiền tuyến; phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, HĐND tỉnh cùng chính quyền và Nhân dân đã lập nhiều chiến công, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Cùng với quá trình xây dựng thể chế pháp quyền XHCN, HĐND tỉnh Nghệ An cũng ngày càng được hoàn thiện về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ; ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động; vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.