Thu về gần 2 tỷ USD trong quý I
Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng cho biết, xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I.2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I, giá trung bình của các sản phẩm thủy sản xuất khẩu nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023 nhưng vẫn ở mức thấp. Về thị trường, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 15%.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong tháng 3 tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác đều giảm, cho thấy khả năng hồi phục của thị trường này ngày càng rõ rệt. Riêng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong quý I tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 - 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển; trong khi mặt hàng tôm sang thị trường này vẫn tăng trên 30%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm và cua sang bứt phá mạnh trong quý I, lần lượt tăng gấp 11 lần và 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm chân trắng cũng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ vì thị trường này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam.
Hiện, Nhật Bản cũng tăng nhu cầu tôm, cua của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu tôm chân trắng sang thị trường này tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23% trong quý I. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá basa… tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc - đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật Bản đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.
Ngược lại, dù EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường này đều tăng trưởng tốt, lần lượt tăng 27% ở EU và 15% với Hàn Quốc.
Tận dụng cơ hội, thích ứng với khó khăn
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản dù có tín hiệu khởi sắc nhưng tăng trưởng vẫn còn chậm. Thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí đầu vào, phí vận chuyển liên tục tăng do căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, chưa gỡ được thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp; tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn…
Ngoài ra, có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi mà ngành tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.
Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD. Để đạt được con số này, Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cùng các địa phương và cơ quan nhà nước cần tiếp tục chung tay gia tăng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống. Đồng thời, thâm nhập và khai thác thêm các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN… Các doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thủy sản Việt Nam. Hy vọng các đơn hàng sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu cũng sẽ tốt dần lên.
VASEP và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục đồng hành trong các hoạt động cải cách thủ tục hành chính và có hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành thủy sản. Từ đó sẽ giải quyết được bài toán của từng lĩnh vực ngành hàng như: vấn đề chất lượng giống tôm, giống cá tra, thức ăn nuôi thủy sản, cải thiện năng suất và giảm giá thành sản xuất…
Cục Thủy sản cũng lưu ý, các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi. Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới, từ đó sẽ giúp xuất khẩu thủy sản phát triển bền vững, ổn định, tăng giá trị.