Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, diện tích rộng lớn, không gian phong thủy hữu tình. Một trong những mục tiêu xây dựng Làng là trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
“Thế nhưng việc đầu tư xây dựng và hiệu quả hoạt động của Làng còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách, theo báo cáo, mới được phân bổ đạt 65,2% kế hoạch; chưa thu hút được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, dẫn đến hạ tầng chưa đồng bộ. Những hạ tầng đã được đầu tư thì khai thác không hiệu quả, xuống cấp, thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Hiện nay trong Làng hầu như không có các dịch vụ phục vụ khách du lịch, thiếu khu nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, tổ chức hội nghị, khu vui chơi, giải trí…”, đại biểu Lò Thị Luyến nêu thực trạng; đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đạt được mục tiêu đặt ra.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lò Thị Luyến, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh lại chủ trương của Đảng, Nhà nước khi xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đó là mong muốn nơi đây trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vậy nhưng trong gần 20 năm đầu tiên, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Làng chỉ được khoảng 1.500 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. “1.500 tỷ đồng với một thiết chế văn hóa cấp quốc gia thì rất nhỏ. Nhiệm kỳ này, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 1.100 tỷ đồng nữa nhưng cũng chưa được cấp. Đây là giai đoạn tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cứng”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, có thời điểm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả, chưa đồng bộ. Hiện nay việc đầu tư, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vướng rất nhiều cơ chế, chính sách. Đơn cử như việc hỗ trợ đồng bào với tư cách là chủ thể sáng tạo đến sinh sống và hoạt động tại Làng để giới thiệu văn hóa, phong tục, tập quán của mình, nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu từ Làng với mức phí tham quan 30.000 đồng/lượt thì rất khó để duy trì. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, cân đối kinh phí để hỗ trợ các nghệ nhân theo mức lương tối thiểu vùng; đồng thời gấp rút đầu tư khu dịch vụ để đồng bào trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm...