Xuất phát từ yêu cầu cấp bách
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thay đổi trang phục phù hiệu của Hải quan là yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ thực tế khi Nghị định 10/2005/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, trang phục, giấy chứng minh hải quan; sau nhiều năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể, quy định về trang phục hải quan tại Nghị định 10/2005/NĐ-CP có một số điểm chưa phù hợp và chưa thống nhất giữa phần quy định và phần hình mẫu của lễ phục, trang phục thu - đông.

Hơn nữa, do đặc thù công việc, công chức hải quan thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, đối tác, hành khách quốc tế nhưng màu sắc của trang phục chưa thể hiện được hết tính chuyên nghiệp, hiện đại cũng như tính uy nghiêm của trang phục hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ; chưa phù hợp với hình ảnh hải quan Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế.
Đặc biệt lực lượng chống buôn lậu của cơ quan Hải quan trên bộ và trên biển chưa có trang phục riêng thể hiện tính quyền lực trấn áp tội phạm trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cơ động, tiện dụng và phù hợp để mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, máy móc… hỗ trợ tích cực cho lực lượng này trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, việc thiếu quy định cụ thể về dấu hiệu đặc trưng đối với tàu thuyền tuần tra, kiểm soát hải quan; chưa có quy định cụ thể về vị trí gắn cờ hiệu, biểu tượng hải quan, đèn hiệu, loa, còi và dấu hiệu đặc trưng của phương tiện đối với ô tô tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan; cũng là những hạn chế cần khắc phục.
Điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, xuất phát từ các yêu cầu hội nhập quốc tế, chuẩn hóa đội ngũ hải quan Việt Nam “chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả”, tạo cơ sở pháp lý cho một nền hải quan hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 7.1.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan; thay thế Nghị định số 10/2005/NĐ-CP.
Nghị định số 02/2021/NĐ-CP gồm 3 chương 16 điều và có hiệu lực kể từ ngày 1.3.2021 với nhiều điểm mới. Cụ thể, trang phục của cơ quan hải quan tại Nghị định số 02/2021/NĐ-CP có nhiều điều chỉnh về kiểu dáng, màu sắc, đặc biệt là màu sắc của trang phục xuân - hè đã có sự thay đổi từ màu xanh da trời thành màu xanh đen cùng màu của quần; trên vai của cánh tay áo có gắn biểu tượng hải quan và có sự điều chỉnh về kiểu dáng để tạo sự thanh lịch, gọn gàng.
Đối với lực lượng chống buôn lậu, trang phục thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện tính uy nghiêm, tính quyền lực trấn áp tội phạm trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa. Trang phục chống buôn lậu của lực lượng Hải quan được lấy ý tưởng từ trang phục dã chiến của các lực lượng quân đội, công an với thiết kế chất liệu phù hợp với quá trình thực thi nhiệm vụ; màu sắc rằn ri phối trên cơ sở của 4 màu (màu đen Pantone Black 7C, xanh bộ đội Pantone 560C, cỏ úa Warm Gray11C, Pantone 4665C) dễ ẩn nấp nhưng thể hiện được đặc trưng riêng của Hải quan, không bị trùng với các lực lượng khác; kiểu dáng được tư vấn thiết kế theo hướng năng động, hiện đại, nhiều túi, đai để đựng công cụ hỗ trợ, máy móc thiết bị chuyên dùng cầm tay…
Nghị định cũng quy định cụ thể về dấu hiệu đặc trưng của phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan (tàu thuyền, ô tô) và vị trí gắn cờ hiệu, biểu tượng hải quan, đèn hiệu, loa, còi trên phương tiện. Nội dung bổ sung trong Nghị định nhằm luật hóa những dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát của cơ quan hải quan, đưa các quy định của Luật Hải quan về việc lắp đặt, sử dụng đèn hiệu, cờ hiệu hải quan, biểu tượng hải quan, loa, còi trên các phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan triển khai trên thực tế.
Theo đó, xe ô tô kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan hai bên cửa xe có in dòng chữ “CUSTOMS” có phản quang theo quy cách như sau: Chữ in hoa, in đứng, cỡ chữ tùy thuộc vào từng loại xe; trước xe (nắp capo) và trước dòng chữ “CUSTOMS” có gắn biểu tượng hải quan. Nóc xe có gắn loa, đèn hiệu màu vàng; cờ hiệu hải quan cắm ở đầu xe phía bên trái người lái. Ngoài ra, một số trang phục khác như mũ, giày, tất, biển tên; chứng minh thư hải quan... cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu công tác và thực tiễn.

Kịp thời thực hiện hiệu quả
Ngay sau khi Nghị định 02/2021/NĐ-CP có hiệu lực ban hành, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 322/QĐ-BTC ngày 19.3.2021 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ cấp phát, sử dụng trang phục hải quan; việc quản lý, sử dụng chứng minh hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật các dấu hiệu đặc trưng xe ô tô kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan. Ngày 9.4.2021, Tổng cục Hải quan cũng ban hành Quyết định 1062/QĐ-TCHQ về quy chế quản lý, sử dụng trang phục trong ngành hải quan.
Theo quy chế vừa được Tổng cục Hải quan ban hành, trang phục chống buôn lậu (xuân - hè, thu - đông) được sử dụng trong các trường hợp là áp dụng biện pháp nghiệp vụ vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tuần tra hải quan; thực hiện việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng hình sự, trừ việc khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính; tổ chức bắt giữ các đối tượng theo kế hoạch, chuyên án có yêu cầu mang, mặc trang phục chống buôn lậu. Tham gia các lớp học, tập huấn, chương trình, hội nghị, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mít tinh kỷ niệm ngày thành lập của ngành, của đơn vị; sự kiện quan trọng cấp tỉnh trở lên (khi có yêu cầu mang, mặc trang phục chống buôn lậu).
Theo Tổng cục Hải quan, quy chế này áp dụng cho tất cả công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong ngành hải quan. Việc sử dụng trang phục của ngành thể hiện tính văn minh, lịch sự và thống nhất, góp phần xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy và hiện đại. Công chức, viên chức, người lao động mặc trang phục phải đồng bộ, gọn gàng, sạch sẽ; khi mặc trang phục không đeo khăn che mặt, găng tay, khẩu trang, kính đen (trừ trường hợp được trang cấp để làm nhiệm vụ hoặc theo khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền), không đeo đồ trang sức gây phản cảm hoặc trái với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Tổng cục Hải quan quy định không sử dụng trang phục của ngành khi không thực thi nhiệm vụ, nghiêm cấm sử dụng trang phục của ngành vào mục đích cá nhân.