Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý còn hạn chế
Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, do Bộ Tư pháp tổ chức, ngày 20.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Cần có bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. T
rong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn. Theo đó, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.
Chỉ ra những khó khăn, thách thức về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Bộ Tư pháp cho biết, Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách. Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo. Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô - Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân nhận định.
Nâng cao sự hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật
Tại diễn đàn, các đại biểu đề cập đến các chính sách phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp, trong đó có nhắc đến gói hỗ trợ lãi suất 2% được kỳ vọng mang lại nguồn vốn dồi dào, với ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8.2022, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 13,5 tỷ đồng.
Theo Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo, gần như những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ. Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật. Nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Do đó, mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nếu có, nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn, thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, thường nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn các công đoạn thanh tra, kiểm tra.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Công Hùng, sau đại dịch, các chính sách của Nhà nước đã giãn, hoãn nợ để chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp vận tải. Ở đây cho nợ, hoãn, giãn thì vẫn phải trả. Trong giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang khôi phục, giờ phải nộp thuế, nộp tiền bảo hiểm xã hội. Nếu không nộp là bị thanh tra, kiểm tra và có thể bị khởi tố. Cũng theo ông Hùng, nếu muốn cứu doanh trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với ngành vận tải, đề nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục ban hành sớm gói cơ cấu nợ, cho chậm nộp thuế và chậm nộp bảo hiểm xã hội. Phải áp dụng chậm nộp thuế tùy thời điểm, chứ còn cộng thêm lãi suất chậm nộp là chất chồng khó khăn cho doanh nghiệp.
Ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải nâng cao sự hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Từ việc phân tích thực trạng của công tác hỗ trợ pháp lý và đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cần đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, Lộ trình này cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; cần có cách thức hỗ trợ hữu hiệu để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng và tăng cường chức năng pháp chế, nâng cao năng lực "tự bảo vệ mình" - vừa tuân thủ tốt pháp luật, vừa có khả năng nhận diện, đánh giá, phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, ở cả thị trường nội địa và quốc tế.