Những chuyển động của Đèo Cả nhằm trau dồi kinh nghiệm, nâng cấp nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai các lĩnh vực giao thông thông minh, tiên tiến và ứng dụng công nghệ quản trị, điều hành hiện đại đưa Đèo Cả vươn tầm quốc tế, nuôi dưỡng doanh nghiệp mang tinh thần dân tộc.
Nhà nước – doanh nghiệp ở nước ngoài
Những ai đã đến Lào sẽ biết PTL Holding Company Limited (PTL Holding) là doanh nghiệp rất nổi tiếng tại đất nước này, hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, thiết bị chiếu sáng, logistics, phân phối bán lẻ sản phẩm xăng dầu, đầu tư hạ tầng. PTL Holding nằm trong số những tập đoàn kinh doanh do gia đình sở hữu lớn nhất ở Lào. Doanh thu của tập đoàn này năm 2022 lên tới 250 triệu USD, tham vọng đóng góp vào ít nhất 20% GDP của Lào vào năm 2040.
PTL Holding là một trong những doanh nghiệp chủ lực của Chính phủ Lào. Sau tuyến đường sắt dọc đất nước, một dự án lớn khác là Công viên Logistics được triển khai xây dựng theo chương trình PPP giữa Công ty Sitthi Logistics (Công ty con của Tập đoàn PTL Holding) và Chính phủ Lào. Dự án này có tổng diện tích 382 ha (bao gồm các khu cảng cạn Thanaleng, khu logistics, khu chế xuất, khu hậu cần và trung tâm kỹ thuật số, khu phân phối nhiên liệu xăng dầu) với tổng chi phí đầu tư ước tính khoảng 727 triệu USD.
Điều khiến chúng tôi ấn tượng khi đến những nhà máy của Tập đoàn Sany tại Trung Quốc là rực đỏ màu cờ tổ quốc và cờ đảng. Lãnh đạo Sany cho biết đó là “cách thể hiện niềm tự hào” và chia sẻ thêm rằng, Đảng - Nhà nước của họ đã hỗ trợ rất hiệu quả bằng việc tạo ra những hành lang pháp lý phù hợp để doanh nghiệp phát triển một cách tốt nhất. Trong thời điểm đại dịch Covid - 19 bùng phát, Sany là lá cờ đầu trong khối doanh nghiệp tư nhân khi các nhà máy của họ trở thành trung tâm điều trị, cung ứng thiết bị, máy móc và trở thành những bệnh viện dã chiến, sát cánh của Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh.
Tại Bắc Kinh, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã xúc tiến hợp tác với Tập đoàn PowerChina với thế mạnh đầu tư xây dựng các dự án có quy mô lớn về năng lượng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Tại PowerChina, tổ chức đảng hoạt động mạnh mẽ, không hình thức và tư cách đảng viên đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực của họ.
Các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp tại đất nước hơn 1,4 tỷ dân này, họ đều chia sẻ rằng lãnh đạo nước này gửi đi thông điệp đến các các doanh nghiệp "quẳng gánh lo đi, trút bỏ gánh nặng, mạnh dạn phát triển" sau khi khống chế được dịch bệnh.
Nhà nước sẽ đối xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân bình đẳng về mặt thể chế và pháp luật, khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển và lớn mạnh của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân, nâng cao niềm tin của thị trường, hỗ trợ các công ty nền tảng thể hiện năng lực trong tạo việc làm, mở rộng tiêu dùng và cạnh tranh quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thu hút vốn tư nhân tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề trọng điểm, đóng góp ngày càng lớn vào việc xây dựng mô hình phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Chính vì vậy khi đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mang quy mô toàn cầu, nhưng Tập đoàn Sany đã đạt được nhiều thành tựu với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Đây là nhà sản xuất thiết bị hạng nặng lớn thứ 3 trên thế giới và là công ty đầu tiên trong ngành công nghiệp tại Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng FT Global 500. Sản phẩm của Sany được tiêu thụ tại 150 quốc gia trên toàn cầu. Trong khi đó, PowerChina xếp thứ 100 trong 500 công ty lớn nhất thế giới năm 2022, hiện diện tại hơn 130 quốc gia tại các khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, Tập đoàn PowerChina đã có hơn 10 năm kinh nghiệm khi tham gia hơn 50 dự án với nhiều vai trò như phát triển dự án, nghiên cứu khả thi, tổng thầu EPC, cung cấp vật tư thiết bị, lắp đặt dự án.
Làm gì để nâng cao tinh thần dân tộc, tầm vóc doanh nhân Việt?
Tại Việt Nam, khái niệm doanh nghiệp dân tộc đã được đặt ra từ nhiều năm trước, và thừa nhận với nhau rằng mỗi doanh nghiệp phát triển lớn mạnh bao giờ cũng chất chứa tinh thần dân tộc trong đó.
Những trải nghiệm của cộng đồng doanh nhân Việt, cộng với những chuyển dịch của nền kinh tế trên con đường đi cùng với thế giới, sự đa dạng của văn hóa, phong phú của xã hội... đã hình thành nên giá trị khác biệt của doanh nhân Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã từng khẳng định rằng nếu phát huy hết những phẩm chất nêu trên, ông tin, thế hệ doanh nhân hiện tại không chỉ có những đặc sắc riêng có, mà còn tạo nên sức cạnh tranh mới cho doanh nhân Việt, cho nền kinh tế.
“Có thể thấy rõ ngay xã hội thoát khỏi dịch bệnh, các chuỗi giá trị bị đứt gãy, kinh tế thế giới vẫn trong thế không thể dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Phần lớn doanh nghiệp vẫn cố giữ vững, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới... dù họ không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước. Tôi thấy chưa bao giờ, doanh nhân Việt lại thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Họ muốn có mặt trong hành trình đi đến hạnh phúc, thịnh vượng của đất nước”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Tại Hội thảo Khoa học Kinh tế Việt Nam: Nâng cao chất lượng nghiên cứu và tư vấn chính sách trong tình hình mới, được tổ chức hồi tháng 3.2023, PGS, TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Qua hơn 35 năm đổi mới, nhiều thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam mang lại sự tự hào chính đáng. Nhưng để duy trì triển vọng đó, vấn đề không phải là kiểm đếm thành tích, mà phải nhận diện đúng thực trạng, chỉ rõ các điểm yếu, điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển.
Để nuôi dưỡng doanh nghiệp dân tộc, Chính phủ cần có thêm chính sách cải cách môi trường kinh doanh để có động lực, niềm tin lâu dài cho nhà đầu tư. Chúng ta phải tạo điều kiện để các hộ gia đình vươn lên thành doanh nghiệp, tuyên dương và tạo điều kiện để những doanh nghiệp có đóng góp trở nên lớn mạnh. Một thể chế nuôi dưỡng, tạo điều kiện, ắt doanh nghiệp sẽ phát triển.