Mới đây,trong dịp lễ Valentine 2023, thương hiệu Vua Nệm bất ngờ tung ra loạt hình ảnh quảng cáo với thông điệp "Nệm là để yêu". Trong đó gồm các người mẫu nam tạo dáng với hình ảnh khá "mát mẻ" trên sản phẩm đệm của hãng.
Không chỉ có các hình ảnh, nội dung quảng cáo của Vua Nệm còn sử dụng một loạt từ ngữ khá nhạy cảm khiến nhiều người khó chấp nhận.
Đặc biệt, một nội dung quảng cáo gây tranh cãi của Vua Nệm ở dòng chữ "Nệm là để yêu", nhưng chữ "m" được thiết kế làm mờ, hoà vào màu sắc của bóng tối, khiến người đọc nhìn thấy chữ "Nện" hiện lên rõ nét.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là chiến lược marketing của doanh nghiệp để thu hút sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, một số người cho rằng, trong quảng cáo sản phẩm không nên dùng những hình ảnh, từ ngữ nhạy cảm như nêu trên.
Thực tế, đây không phải lần đầu Vua Nệm sử dùng hình ảnh quảng cáo nhạy cảm. Hồi tháng 12.2021, do quảng cáo phản cảm trên tàu Cát Linh, Vua Nệm từng bị xử phạt 137 triệu đồng.
Thời điểm đó, giải trình với cơ quan chức năng, Chủ nhãn hàng Vua Nệm cho biết, việc tổ chức cho nhóm người cởi trần chụp ảnh tại những nơi công cộng nhằm mục đích quảng cáo, thu hút thêm khách hàng. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, Vua Nệm gỡ bỏ hoặc ẩn những nội dung quảng cáo này trên fanpage.
Theo một số chuyên gia xã hội học, cần có cơ chế nghiêm khắc để kiểm soát những quảng cáo phản cảm. Bởi lẽ, nếu không siết chặt vấn đề này sẽ dễ dẫn đến một trào lưu xã hội và không phải chỉ dừng lại ở mức độ thấp mà ở mức độ cao hơn.
Thậm chí, có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để được “đánh bóng tên tuổi”, “quảng bá” sản phẩm, thương hiệu công ty, dù bị dư luận nhìn nhận ở góc độ tích cực hay tiêu cực thì ít nhiều hình ảnh của doanh nghiệp cũng được lan toả rộng khắp.