Vụ việc nam sinh viên năm nhất, trường Đại học FPT bị bạn hành hung ngay tại trường học đang khiến nhiều người bức xúc.
Từ hình ảnh clip ghi lại, sự việc diễn ra ở khu vực cầu thang trường học. Nam sinh bị tấn công thô bạo vào vùng gáy, nhưng không có hành động phản kháng. Trong khi đó, nhiều sinh viên khác đứng xem hoặc vội vã đi qua.
Dưới các đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, không ít người bày tỏ sự thất vọng, phê phán nhóm sinh viên chứng kiến vụ việc vì sao không can ngăn hoặc lên tiếng bảo vệ bạn.
Chất liệu bạo lực “bủa vây” khiến trẻ mất đi phản ứng với hành vi bạo lực
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân từ góc độ tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có một số giả thuyết có thể dẫn tới việc các sinh viên xung quanh không lên tiếng bảo vệ nạn nhân.
Trước hết, cần nhìn nhận rằng chúng ta đang sống trong môi trường mà người trẻ ngày càng tiếp cận nhiều với các chất liệu bạo lực từ cuộc sống hàng ngày, từ môi trường mạng xã hội.
Những chất liệu này “bủa vây” đứa trẻ, sẽ làm trẻ mất đi tính phản ứng đối với các hành vi bạo lực. Việc bày tỏ thái độ, sự khó chấp nhận, khó chịu trước những vụ việc tương tự sẽ ngày càng yếu đi.
“Dường như đây là một hệ lụy của xã hội hiện đại, khi có quá nhiều chất liệu bạo lực đang tồn tại. Tất cả đã làm cùn mòn cảm xúc, thái độ, phản ứng và cùn mòn cả sự thấu cảm giữa những người đứng nhìn và người đang bị bạo lực. Các bạn không đặt mình vào vị trí của người khác, không cảm thấy thấu cảm được”, PGS Nam nhận định.
Bên cạnh đó, theo PGS Nam, một giả thuyết khác là bản thân các bạn trẻ đang bị quá tải, quá mệt mỏi, quá nhiều áp lực. Các bạn luôn ở trong trạng thái phải làm theo kế hoạch, lúc nào cũng vội vàng, thậm chí dường như không có thời gian để suy nghĩ mà chỉ làm việc như một cái máy.
Stress kéo dài khiến nhiều người mất cân bằng, khả năng phản ứng gần như bị tê liệt. Ví dụ, một người đặt câu hỏi bất ngờ, đôi khi chúng ta cũng không thể phản ứng nhanh chóng. Do đó, các bạn giảm bớt đi sự quan tâm đến người khác, thậm chí không chỉ với bạn bè mà ngay cả với gia đình, người thân của mình.
Cùng một tình huống, nếu xảy ra khi ở trong trạng thái khỏe mạnh, thông thái, vui vẻ, hạnh phúc, chúng ta dễ dàng đưa ra được những phản ứng nhanh chóng, đúng đắn trên các phương diện.
Nhưng khi đang rất stress, căng thẳng, có thể các bạn không phản ứng được như vậy. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, sau bối cảnh đại dịch Covid-19, tỷ lệ học sinh, sinh viên gặp những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần (như căng thẳng, stress, lo âu, trầm cảm,…) đã cao hơn.
“Tôi lo ngại rằng điều này trở thành xu thế, sẽ khiến một loạt bạn trẻ phản ứng giống như robot về mặt cảm xúc”, ông Nam nói.
Hiệu ứng tâm lý “người qua đường”
Hướng tiếp cận thứ ba, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, có thể nhiều bạn trẻ đang nóng vội. “Nóng vội” ở đây có nghĩa là họ chỉ nghĩ đến những việc họ phải làm, nghĩ rằng: “Mình đang vội và ở đây có rất đông người, rồi cũng sẽ có người lên tiếng, can ngăn thôi”.
Do đó, họ chỉ đi lướt qua, vừa đi vừa ngoái lại nhìn, nhưng không có hành động can ngăn nào cả. Đây chính là hiệu ứng tâm lý “người qua đường”.
PGS Nam phân tích, trong đặc điểm tâm lý đám đông, khi một vụ việc diễn ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có một người nhìn thấy, người này sẽ có xu hướng lại gần giúp đỡ nhiều hơn. Tuy nhiên nếu một vụ việc xảy ra ở nơi đông người qua lại, ai cũng nhìn thấy, cùng là người đó lại ít có xu hướng giúp đỡ hơn.
Bởi ai cũng nghĩ rằng “rồi sẽ có người khác giúp”, nên cuối cùng nạn nhân không nhận được sự giúp đỡ.
Đặc biệt, PGS Nam nhấn mạnh đến vấn đề thiếu kỹ năng ở các bạn trẻ hiện nay. Theo ông, thế hệ trẻ hiện rất thông minh, biết nhiều kiến thức, giỏi ngoại ngữ nhưng kỹ năng xã hội lại khá kém. Trong vụ việc nam sinh bị hành hung nói trên, có thể một số bạn muốn giúp đỡ nhưng lại không có năng lực, kỹ năng để giúp đỡ.
Bản thân các bạn không có kỹ năng để ứng phó với bạo lực, tức là nếu bị bắt nạt sẽ không biết làm như thế nào và không biết ứng xử ra sao trong tình huống bạn bè bị bạo lực.
“Có khi nhiều bạn nhìn thấy vụ việc, trong lòng cảm thấy rất bất nhẫn, nhưng không biết làm gì cả. Không biết đứng lên nói gì, làm thế nào để vụ việc dừng lại. Ngay cả tình huống chạy đi báo giáo viên, bảo vệ, có khi các bạn lúc đó cũng không nghĩ ra, vì không có kỹ năng xử lý tình huống thực tế.
Chúng ta học lý thuyết rất nhiều, nếu trên lớp được giao đề bài “Khi nhìn thấy một bạn bị bắt nạt cần xử lý như thế nào”, có thể nhiều bạn viết ra được rất tốt. Nhưng trong tình huống thực tế, các bạn lại lúng túng, không biết làm như thế nào để vẫn bảo đảm được sự an toàn của mình, nhưng có thể dừng được hành vi bạo lực này”, PGS Nam nói.
Cần giáo dục trẻ về tinh thần trách nhiệm
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, hiện nay, dù chúng ta đã ban hành các văn bản đề cập đến giải pháp phòng, chống bạo lực học đường như hệ thống cảnh báo, phòng tâm lý học đường,… tuy nhiên những mô hình này vẫn nghiêng về tính hình thức, việc thực hiện chưa hiệu quả.
Mỗi khi có một vụ việc xảy ra, đa số các nhà trường chỉ “đi sau”, tức là xử lý sau khi vụ việc đã rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này thể hiện rằng, độ phản ứng của các hệ thống còn chậm, các mô hình vẫn nằm trên lý thuyết nhiều hơn, chưa được đưa vào thực tế.
Theo PGS Nam, bên cạnh việc đưa ra các chính sách, chúng ta cần có các mô hình nghiên cứu thực tiễn. Mô hình lý thuyết phải được triển khai vào thực tiễn và được kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu những vụ việc tương tự, vấn đề dạy kỹ năng cho học sinh, sinh viên là rất quan trọng.
Việc dạy kỹ năng phải “đến nơi đến chốn”, giúp các em chuyển biến được cả thái độ và hành vi. Hiện nay, nhiều nơi chỉ cho các em học thuộc lòng lý thuyết, nhưng gặp tình huống thực tiễn như bị bạo lực, chứng kiến bạo lực lại không biết bày tỏ thái độ như thế nào. Các em không có kỹ năng để xử lý hay đứng ra ngăn chặn sự việc này.
“Chúng ta có thể giáo dục trẻ thông qua những tiết học, nhưng không phải là tiết học lý thuyết mà học trên thực tiễn. Phải làm thế nào mô hình hóa trong môi trường học tập giống như môi trường thực. Như vậy, cần có những tiết học ở ngoài 4 bức tường của lớp học, trường học, thay vì chỉ gói gọn trong lớp”, PGS Nam nói.
Ông cũng cho rằng, cần có giải pháp hạn chế các hình ảnh, chủ đề, hành động bạo lực diễn ra trong thế giới của trẻ, khiến trẻ mất đi sự phản xạ đúng - sai. Đây là câu chuyện dài, cần có sự chung tay từ nhiều phía như gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Đồng thời, cần giáo dục cho trẻ về tinh thần trách nhiệm, hướng tới một thế hệ trẻ biết quan tâm đến những vấn đề xung quanh mình, vấn đề của xã hội, đất nước và có tinh thần cống hiến, biết bày tỏ thái độ, hành động trước các vấn đề thời sự của xã hội.