Vụ nam sinh trường ĐH FPT bị hành hung: Sinh viên đứng xem nhưng không can ngăn có vô cảm?

- Thứ Hai, 22/05/2023, 13:25 - Chia sẻ

Vụ việc một nam sinh viên Trường Đại học FPT bị bạn hành hung ngay tại trường học đang gây xôn xao dư luận. Bên cạnh bức xúc vì vấn nạn bạo lực học đường, nhiều người cũng bày tỏ trách móc và cho rằng, những sinh viên chứng kiến vụ việc thật “vô cảm, thờ ơ” khi không lên tiếng bảo vệ bạn.

Đã tạm đình chỉ học tập với sinh viên hành hung bạn

Clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh nam sinh bị đánh đập thô bạo, chỉ biết bất lực đưa tay đỡ đầu, né đòn. Bên cạnh đó, hình ảnh nạn nhân bị đổ máu ở đầu, bàn tay dính đầy máu cũng được chia sẻ rộng rãi.

Theo thông tin người nhà đăng tải, nam sinh tên L.T.C., sinh năm 2004, hiện là sinh viên năm nhất của Trường Đại học FPT. Sau khi tan học, C. bị một nhóm đối tượng chặn đường để hành hung, trong đó người trực tiếp đánh đập là nam sinh Q. sinh năm 2001, cũng là sinh viên Trường Đại học FPT.

Từ hình ảnh clip ghi lại, sự việc diễn ra ở cầu thang trường học, với sự chứng kiến của nhiều sinh viên khác. Em L.T.C. không có hành động phản kháng, trong khi bị  đánh liên tục vào gáy. Ngay sau đó, C. đã được bạn bè đưa đi cấp cứu trong tình trạng mất rất nhiều máu. Theo gia đình, hiện C. luôn trong tình trạng cảm thấy đau đầu và không thể đi lại một cách bình thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Trường Đại học FPT xác nhận có sự việc trên.

Được biết, sau khi nắm bắt sự việc, nhà trường đã làm việc với phụ huynh sinh viên L.T.C., đồng thời đang phối hợp làm việc với công an huyện Thạch Thất xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ GD-ĐT.

Đại diện nhà trường cho biết, hiện tại sinh viên L.T.C. đã được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc sức khỏe.

Nhà trường đã vào viện thăm hỏi sức khỏe của sinh viên L.T.C. và đang xem xét các phương án hỗ trợ tài chính với em, mong sinh viên này sớm bình phục để công việc học tập không bị gián đoạn. Công an huyện Thạch Thất hiện đã làm việc với sinh viên Q. để phục vụ điều tra.

Đồng thời, nhà trường ra quyết tạm thời định đình chỉ học tập với sinh viên Q. để phục vụ công tác điều tra và chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Cũng theo đại diện nhà trường, đơn vị này mong muốn các sinh viên trong trường nâng cao tính tự chủ bản thân khi xử lý các mâu thuẫn cá nhân, tránh các hành vi quá khích có thể gây tổn thương cho bản thân và cộng đồng. Nhà trường sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi này theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Hà Nội: Nam sinh viên bị bạn hành hung đổ máu ngay tại trường học -0
Hình ảnh nam sinh bị hành hung (Ảnh cắt từ clip)
Hà Nội: Nam sinh viên bị bạn hành hung đổ máu ngay tại trường học -0
Vết thương sau gáy của nam sinh (Ảnh: Mạng xã hội)

Có nên đổ lỗi cho “sự thờ ơ” của người chứng kiến

Dưới các bài đăng trên mạng xã hội về vụ việc trên, không ít người bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi bạo lực học đường.

“Rất nhiều vụ bạo lực học đường để lại hậu quả nặng nề rồi. Mong là pháp luật xử lý nghiêm để giảm bớt những vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Mỗi lần xem được những vụ việc tương tự thế này mà thấy bất an”, một phụ huynh chia sẻ.

“Cần xử lý nghiêm nạn bạo lực học đường. Vì em cũng đi học, cũng bị bạo lực học đường, cảm giác không được nói cho ai biết, nếu nói thì sẽ bị đánh. Đi học em thấy sợ lắm, là nỗi ám ảnh của em", một sinh viên tâm sự.

Một số ý kiến khác lại bày tỏ trách móc và cho rằng, những sinh viên chứng kiến vụ việc thật “vô cảm, thờ ơ” khi không lên tiếng can ngăn, bảo vệ bạn.

“Tại sao các bạn xung quanh đứng xem nhưng không ai gọi thầy cô, không ai can ngăn?”, một người đặt câu hỏi. “Xã hội bây giờ sao thế không biết. Con người toàn vô cảm”, một người khác bức xúc lên tiếng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, PGS.TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có nhiều khả năng lý giải cho việc nhiều sinh viên xung quanh chứng kiến vụ việc bạo lực, nhưng không có sự can thiệp nào.

Thứ nhất, có thể tầm ảnh hưởng của bạn gây ra bạo lực khá lớn, khiến cho những bạn chứng kiến cảm thấy bị đe dọa. Các bạn khó có thể can thiệp được bởi nếu như lên tiếng giúp đỡ nạn nhân, cũng có nguy cơ bản thân trở thành nạn nhân khác, trong tình huống này không ai đứng ra bảo vệ các bạn.

Thứ hai, cũng có thể do việc giáo dục về hành vi xã hội hiện nay chưa đúng cách nên hành vi trợ giúp xã hội của các bạn không có, tính cá nhân lớn. Bởi vậy, các bạn cho rằng việc này không phải việc của mình, không cần can thiệp.

Thứ ba, nhóm tuổi này vẫn ở trong đặc trưng là tìm kiếm những cảm giác mới, cảm giác lạ. Do đó, một số bạn sẽ có suy nghĩ tò mò, “tới xem đánh nhau xem như thế nào".

Thứ tư, cũng có những bạn đứng ngoài để “xem cho vui” nếu nói theo nghĩa mang tính tiêu cực, tức là cảm thấy hay ho trong câu chuyện này.

Như vậy, theo PGS Hương, trong trường hợp này dùng từ “thờ ơ” không hẳn chính xác, bởi các bạn cũng có quan tâm, chỉ là quan tâm theo những chiều hướng khác nhau.

PGS Hương nhấn mạnh, tất nhiên, việc các sinh viên xung quanh không can thiệp, giúp đỡ nạn nhân, ở một góc độ nào đó theo nguyên tắc đạo đức là không đúng.

Tuy nhiên, việc này có thể có nhiều lý do. Về cơ bản, chúng ta không thể đưa ra nhận định chính xác khi chưa có thông tin đầy đủ chứng tỏ cho hành vi của các bạn.

“Việc dư luận bày tỏ trách móc với những sinh viên xung quanh, ở một góc độ nào đó cũng có thể nói là đúng, bởi chúng ta đang tiếng bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân. Tuy nhiên, khi chúng ta chưa biết lý do chính xác đã chỉ trích như vậy, có thể vô tình đẩy các em vào cảm giác lo lắng, tội lỗi”, PGS Hương nêu quan điểm.

Nguyễn Liên
#