LTS: Sau khi Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đăng tải tuyến bài về phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn nhiều bất cấp, tồn tại đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của độc giả.
Đặc biệt, mới đây Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin về trường hợp của khách hàng trú tại Hà Nội gặp tình trạng tương tự nêu trên, Anh cho rằng mình đã bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ khi đến chi nhánh ngân hàng ở Thanh Xuân, TP. Hà Nội để gửi tiền tiết kiệm. Trong khi đó, phản hồi đến Báo Đại biểu Nhân dân, phía ngân hàng này cho rằng đã cho rà soát, kiểm tra và tính đến thời điểm thông tin, ngân hàng chưa có đủ cơ sở để giải quyết phản ánh của khách hàng này. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cho biết, vụ việc này cũng được phía Công ty bảo hiểm nhân thọ gửi phản hồi chi tiết bằng văn bản tới khách hàng.
Liên quan đến trường hợp của khách hàng, Báo Đại biểu Nhân dân đăng tải quan điểm của Luật Sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội gửi đến Toà soạn để thấy rõ hơn các vấn đề pháp lý của vụ việc nhằm giúp khách hàng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Đã đến lúc các cơ quan tố tụng cần xem xét đánh giá đúng đắn tình trạng một số cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lợi dụng chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước để hưởng lợi bất chính tài sản của người dân, gây hỗn loạn xã hội, nhiễu loạn thị trường, huỷ hoại niềm tin vào một số hoạt động tài chính đúng đắn lành mạnh.
Về nguyên tắc, các loại hợp đồng, giao dịch được ký kết giữa các bên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận và tự định đoạt giữa các bên, các bên đều thấu hiểu hợp đồng trước khi ký, nhận thức được đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ thì đó là quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại Ngân hàng chúng ta có thể thấy rõ dấu hiệu lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của khách hàng trong quan hệ hợp đồng, dấu hiệu của hành vi gian dối, che dấu thông tin, tư vấn sai lệch, đa nghĩa về hàng hoá dịch vụ, điều đặc biệt là nhân viên tư vấn lại thực hiện các hành vi đó ngay trong chính cơ quan Ngân hàng nên khiến cho khách hàng hiểm nhầm, hiểu sai về dịch vụ vì tin tưởng ở Ngân hàng mà mất cảnh giác, thiếu kiểm soát về nội dung, bản chất của giao dịch, vẫn tin tưởng rằng làm việc tại Ngân hàng thì mục đích ban đầu của mình vẫn được bảo đảm đó là gửi tiết kiệm vừa bảo toàn được tiền gửi lại hưởng lãi cao nhưng thực chất lại trở thành ký hợp đồng bảo hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Từ lâu Bộ luật hình sự cũng đã quy định lừa dối khách hàng là tội phạm, cụ thể tội lừa dối khách hàng được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 và điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trong vụ việc này, theo các thông tin khách hàng cung cấp thể hiện: “Nhân viên tư vấn cho anh rằng, nên tách làm 2 sổ để hưởng lãi suất cao. Cụ thể lãi suất tiết kiệm hiện lúc đó là 7,6% và nếu tách 2 sổ lãi suất sẽ là 9,1%. “Sau khi nghe tư vấn, tôi có nói với nhân viên nếu tách mà không ảnh hưởng gì thì tách cho anh. Lúc đó, nhân viên tư vấn không hề nhắc đến việc mua bảo hiểm hay tách thành sổ bảo hiểm nhân thọ. Tôi nghĩ rằng đó là gửi tiết kiệm thông thường nên tôi đồng ý”.
Môi trường tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm là làm việc tại hội sở, chi nhánh ngân hàng đã khiến cho người có tiền gửi tiết kiệm đến “Ngân hàng nhưng lại không phải Ngân hàng”, không gian làm việc không có sự phân biệt khu vực làm việc giữa Ngân hàng và Bảo hiểm, tại môi trường đó họ có thể đưa ra các thông tin thiếu trung thực, không đúng đắn, lừa dối, thông tin được người tư vấn cung cấp nhỏ giọt, sắp xếp kỹ càng nhằm làm cho khách hàng hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch, kết cục đã chốt đơn ký kết Hợp đồng bảo hiểm.
Hành vi tư vấn trên có thể thoả mãn dấu hiệu khách quan của “thủ đoạn gian dối khác” được quy định trong cấu thành tội phạm của tội lừa dối khách hàng theo quy định tại điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015. Những nhân viên này có thể đã được được đào tạo bài bản, kỹ càng về cách đặt câu hỏi, dẫn dắt khách hàng, nắm bắt tâm lý để định hướng mong muốn, dụ dỗ, thậm chí lừa gạt khách hàng khi ký vào Hợp đồng bảo hiểm.
Khách hàng đến ngân hàng chỉ có mong muốn gửi tiết kiệm, tuy nhiên do cách bố trí bàn tư vấn bảo hiểm trong trụ sở, chi nhánh của ngân hàng đã thể hiện dấu hiệu chủ đích khiến khách hàng hiểu nhầm đây là hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng. Với sự sắp xếp, tổ chức như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận định rõ về động cơ, mục đích và cách thức là có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng các thủ đoạn xảo quyệt để lừa dối khách hàng. Thậm chí trong hồ sơ bảo hiểm còn có cả chữ ký giả mạo khách hàng nên nhận định việc gian dối của người nhân viên trong vụ việc này càng được củng cố rõ nét.
Khi bị hiểu sai khách hàng đã ký vào Hợp đồng bảo hiểm, khi ký vào Hợp đồng bảo hiểm thì khách hàng không thể huỷ và lấy lại được tiền. Số tiền nhân viên tư vấn bảo hiểm, công ty bảo hiểm thu lợi được từ khách hàng bị lừa dối, bị hiểu sai nên có dấu hiệu của việc thu lợi bất chính. Theo khoản 1 điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 việc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đã thoả mãn dấu hiệu khách quan của tội danh này.
Trong vụ việc này cũng như những vụ việc tương tự ở các Ngân hàng, doanh nghiệp Bảo hiểm khác các bị hại cần thiết phải có đơn gửi cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền để đề nghị xem xét khởi tố điều tra về tội “lừa dối khách hàng”.
Mặt khác những người được coi là bỗng dưng phát hiện mình trở thành “khách hàng” như thế này có thể khởi kiện để yêu cầu huỷ hợp đồng, tuyên Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị lừa dối để yêu cầu trả lại khoản tiền của mình theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
“Tôi cho rằng, tôi đã bị lừa tham gia bảo hiểm nhân thọ trong khi tôi không có nhu cầu, không đồng ý và cũng chưa từng ký vào các giấy tờ điện tử. Tôi có yêu cầu trả lại tiền, không tham gia bảo hiểm nữa. Tôi đã gửi kiến nghị này tới trụ sở Bảo hiểm nhân thọ, tôi cũng đã phản ánh về tình trạng tư vấn viên thực hiện không đúng và đề đạt nguyện vọng này với Phó Tổng Giám đốc Công ty”, khách hàng cho biết.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết răn đe đối với những đối tượng có hành vi “lừa dối khách hàng” bằng việc khởi tố vụ án để điều tra, với những vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Đồng thời, pháp luật cần xem xét mở rộng đối tượng điều chỉnh về chủ thể thực hiện hành vi tội phạm đối với cả pháp nhân thương mại. Bởi thực tế hiện nay, để tối đa lợi nhuận có không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội, trong đó có các hành vi lừa dối khách hàng do các pháp nhân thực hiện.