Chiều 19.7, tại TP. Hồ Chí Minh, VLA tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IX (2024 – 2027) với chủ đề “Hợp nhất sức mạnh – phát triển bền vững”.

Báo cáo tổng kết công tác nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII (2021 - 2024) của VLA cho thấy, hiệp hội đã có sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đại diện, đồng hành hỗ trợ cho cộng đồng logistics Việt Nam.
Vị thế của hiệp hội được khẳng định, nâng lên rõ rệt đối với lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế liên quan. Số hội viên tăng mạnh từ 458 lên hơn 750, tăng trung bình hơn 100 hội viên/năm. Công tác hỗ trợ pháp lý cho hội viên, đào tạo nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Cùng với đó, VLA đã thay mặt hội viên làm tốt công tác phản biện chính sách, có nhiều kiến nghị cụ thể tới lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan quản lý, nhằm giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 3 năm qua, VLA đã có gần 20 văn bản góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư… về các nội dung liên quan đến ngành dịch vụ logistics Việt Nam...
Về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IX (2024 - 2027), VLA xác định phải hướng tới sự thay đổi thích ứng phù hợp với bối cảnh và tình hình mới trên cơ sở mục tiêu phục vụ lợi ích hội viên, xây dựng cộng đồng logistics Việt vững mạnh; phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu của Quyết định số 200/QĐ-TTg, Quyết định 221/QĐ-TTg, đó là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP…
Cùng với đó, VLA sẽ chú trọng phát triển hội viên, phấn đấu mỗi năm thêm từ 70 - 100 hội viên mới. Đến năm 2030, 100% hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, phục vụ kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản; tiếp tục làm tốt công tác phản biện, tư vấn chính sách; thúc đẩy quan hệ hợp tác với các hiệp hội ngành nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu…
Hiệp hội cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức tốt Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress – FWC) năm 2025 tại Hà Nội.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng lưu ý, thời gian tới, VLA cần chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong Quyết định 221/QĐ-TTg; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để nắm bắt và tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề, khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, VLA cần có ý kiến đóng góp tích cực, thiết thực vào nội dung Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045; chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan khi Chiến lược được ban hành.
Hiệp hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò trong tư vấn, phản biện chính sách và những vấn đề liên quan đến dịch vụ logistics như tình trạng tăng cước vận chuyển đường biển và thu phí bất hợp lý. Đồng thời, chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong nước và quốc tế triển khai công tác chuẩn bị tổ chức FWC 2025.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ hiệp hội tổ chức thành công sự kiện quan trọng của ngành dịch vụ logistics này, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Tại đại hội, VLA đã ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2027 gồm 19 thành viên. Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA nhiệm kỳ 2021 - 2024 được bầu làm Chủ tịch VLA nhiệm kỳ mới.