Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3.2023, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt 7.325 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ và là mức cao kỷ lục từ khi hoạt động. Giá vốn thậm chí còn tăng mạnh hơn với 31% lên mức 3.575 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 57% cùng kỳ xuống còn 51% tương ứng lợi nhuận gộp gần 3.750 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ lên mức 1.678 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng mạnh 57% so với cùng kỳ, lên 859 tỷ đồng chủ yếu do lỗ tỷ giá. Chi phí bán hàng thậm chí còn tăng đột biến gấp 1,5 lần cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu là chi phí mua ngoài. Chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao trên 1.500 tỷ đồng.
Khoản thu từ công ty liên doanh liên kết tăng đột biến đạt 51 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Kết quả, Viettel Global lãi ròng 1.409 tỷ đồng trong quý 3, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Viettel Global ghi nhận doanh thu tăng 17% lên hơn 20.629 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm mạnh đến 82% so với cùng kỳ, xuống còn 784 tỷ đồng.
Thực tế, câu chuyện lợi nhuận của Viettel Global “nhảy múa” theo tỷ giá không còn xa lạ với giới đầu tư. Doanh nghiệp này từng có nhiều quý tưởng chừng sẽ lãi lớn nhưng lại gây bất ngờ lỗ và ngược lại do chênh lệch tỷ giá. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu liên tục lập kỷ lục nhưng lợi nhuận lại trồi sụt thất thường.
Tính đến cuối quý 3.2023, tổng tài sản của Viettel Global ở mức 50.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm 40%.
Thời điểm 30.9.2023, tổng công ty vẫn còn lỗ luỹ kế gần 4.000 tỷ đồng. Theo VGI, nguyên nhân lỗ nêu trên phần lớn do giai đoạn này Viettel Global mở rộng thị trường mới, khai trương kinh doanh tại Burundi, Peru, Tanzania, Myanmar,…). Đến nay, Viettel đã thu hồi được hơn 76% số vốn đầu tư tại các thị trường nước ngoài.