Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.
Lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ. Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định. Kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng qua tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.
Về chính sách tiền tệ, TS.Võ Trí Thành cho rằng, con số 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để bảo đảm an toàn. Đó sẽ là cơ sở để tính toán mức tăng tín dụng hợp lý. Bởi vậy, TS.Võ Trí Thành cho rằng cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.