Ngày 28.12, Trường Đại học Kinh tế Quốc đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với một số điểm mới, để hiểu rõ hơn về những thay đổi này, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Đức Triệu trưởng phòng đào tạo của nhà trường.
- Ông cho biết cụ thể những điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân?
PGS.TS Bùi Đức Triệu: Về cơ bản phương án tuyển sinh năm 2024 ổn định như năm 2023, cụ thể là ổn định 3 phương thức xét tuyển (tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp (XTKH) và xét tuyển theo KQ thi tốt nghiệp THPT).
Tuy nhiên có 1 số điều chỉnh kỹ thuật cho đơn giản hơn theo khuyến nghị của Bộ GD-ĐT. Những điều chỉnh thay đổi, điểm mới chủ yếu nằm trong nội tại phương thức xét tuyển kết hợp, cụ thể:
Tích hợp các nhóm đối tượng lại thành 2 nhóm: nhóm 1 không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sớm và nhóm 2 sử dụng kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (CCTAQT) với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐHBK Hà Nội để xét tuyển cho tất cả các mã tuyển sinh để tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn và dự tuyển cho thí sinh (năm 2023 chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã).
Ngoài ra, nhà trường quy đổi tất cả các chứng chỉ về thang điểm 30 (hoặc điểm 10) theo quy định và giản lược công thức tính nhằm đơn giản hóa và tăng tính chính xác trong xét tuyển.
Điểm mới nữa là Trường giảm 7% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống còn 18% và tăng tương ứng chỉ tiêu XTKH lên 80%.
- Vì sao nhà trường lại bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ, thưa ông?
PGS.TS Bùi Đức Triệu: Trường bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT với điểm 02 môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia vì thực tế tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh này có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện khác như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… nên tỷ lệ trùng lặp với các nhóm đối tượng khác rất cao dẫn đến tỷ lệ ảo tăng nên việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ ảo mà ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.
Trường có chủ trương mở rộng sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết qủa thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2024 Trường đã sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển cho tất cả các mã tuyển sinh để tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn và dự tuyển cho thí sinh (năm 2023 chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã) nên Trường bỏ xét tuyển nhóm thí sinh có sử dụng học bạ này.
- Vậy những thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay cần lưu ý những gì thưa ông?
PGS.TS Bùi Đức Triệu: Các em cần lưu ý đọc kỹ các phương thức xét tuyển của Trường, đặc biệt là phương thức XTKH để chuẩn bị lựa chọn đăng ký xét tuyển phù hợp nhất, tốt nhất mà không cần dàn trải như các năm trước, vì các nhóm đối tượng đã được tích hợp (gồm cả chỉ tiêu xét tuyển).
Bên cạnh đó, trong thông báo về công bố đề án và phương thức tuyển sinh đại học chính quy, Trường đã lưu ý thí sinh 1 số điều, cụ thể: Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường được công bố sớm, vì vậy sẽ có một số thay đổi khi có thông tin mới của Bộ GD&ĐT và của Trường, thí sinh cần lưu ý theo dõi, cập nhật.
Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh, không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.
Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển, ngoài các quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và của Trường.
Thí sinh diện được tuyển thẳng nếu không sử dụng quyền được tuyển thẳng thì chỉ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển nếu đăng ký xét tuyển theo kết quả (tổ hợp) điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
- Trường đã tuyên bố giữ ổn định tuyển sinh đến năm 2025. Tuy nhiên, những sửa đổi về tuyển sinh này của nhà trường mặc dù về kỹ thuật nhưng cũng làm không ít thí sinh lo lắng. Vậy, dự kiến phương án tuyển sinh các năm tới của trường như thế nào thưa ông?
PGS.TS Bùi Đức Triệu: Thí sinh không phải lo lắng và cứ yên tâm học tập, các thay đổi của Trường đều được nghiên cứu kỹ, không làm ảnh hưởng đến học tập của các em mà chỉ thuận lợi hơn. Trường dự kiến phương án tuyển sinh từ năm 2025 cơ bản ổn định như năm 2024, điều này đã được công bố trong Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 vừa qua.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!