Cao tốc luôn quá tải
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần của dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL. Với quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm đến nay đã mãn tải, không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện, nhu cầu lưu thông của người dân và không bảo đảm việc kết nối đồng bộ toàn tuyến ở khu vực ĐBSCL.
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sau hơn 12 năm đưa vào khai thác, hiện nay mỗi ngày có khoảng 52.000 lượt xe lưu thông, trên tuyến thường xuyên ùn tắc và hay xảy ra tai nạn làm người dân rất bức xúc. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận mỗi bên chỉ có 2 làn xe, chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe tăng cao đột biến, ngày cao điểm nhất dịp Tết Nguyên đán 2023 ghi nhận gần 40.000 lượt xe qua tuyến.
Theo ông Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, với các tỉnh khu vực ĐBSCL - nơi có hơn 21 triệu người dân - thì đường cao tốc là chủ lực và quan trọng nhất để tạo đột phá về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. “Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là đoạn cực kỳ quan trọng, rất cần thiết nâng cấp mở rộng. Đặc biệt, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận vận tốc cho chạy tối đa 80km/h là chưa hợp lý, cần phải đạt được tiêu chuẩn 100km/h”, ông Hòa nói.
Đầu tư PPP có là giải pháp tối ưu?
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng (trong đó, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương khoảng 13.000 tỷ đồng, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 12.000 tỷ đồng).
Trong Văn bản số 8824/Bộ GTVT-KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải nhận định: “Việc sớm nghiên cứu triển khai đầu tư mở rộng, hoàn thiện đồng bộ đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là hết sức cần thiết, cần được các địa phương liên quan cùng các bộ, ngành quan tâm, phối hợp thực hiện”.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, “trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp khi đã tập trung đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án cao tốc trục ngang… việc huy động tối đa nguồn lực xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5498/VPCP-CN ngày 20.7.2023 để đầu tư mở rộng, hoàn thiện đồng bộ đoạn tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là cần thiết”.
Trao đổi về phương án vốn để thực hiện đầu tư giai đoạn 2 tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ rất ủng hộ nếu thực hiện theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) và cho rằng thực hiện theo hình thức này chắc chắn nhiều nhà đầu tư muốn tham gia. “Cần nghiên cứu để thực hiện theo hình thức BOT chứ không thể sử dụng 100% vốn ngân sách để đầu tư các tuyến đường cao tốc. Tại sao có thể thực hiện được bằng BOT mà chúng ta không làm, lại phải đầu tư công?” ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.
Theo vị đại biểu này, nguồn lực công đầu tư cho hạ tầng giao thông nên ưu tiên phân bổ về các tỉnh còn khó khăn, cần có đường cao tốc để phát triển nhưng khả năng thu hồi vốn thấp nên ít nhà đầu tư quan tâm, hoặc dùng để nâng cấp các đường quốc lộ, tỉnh lộ…
“Những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông cao lại đề xuất đầu tư công mà không ưu tiên theo hình thức PPP để giảm áp lực ngân sách cho Nhà nước. Ngược lại, những tuyến đường lưu lượng thấp lại đề xuất cho đầu tư PPP là không phù hợp. Đây là những bất cập trong đầu tư hạ tầng thời gian qua”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.