Trong tháng 11 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) có văn bản nhắc nhở và đề nghị Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) nghiêm túc tuân thủ quy định về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Trước đó, vào ngày 1.11.2024, HoSE đã nhận được công bố thông tin bổ sung một số tài liệu năm 2022 và năm 2023 từ BaF Việt Nam. Các thông tin này gồm đơn đề cử kèm sơ yếu lý lịch của ứng viên Hội đồng Quản trị, một số Nghị quyết Hội đồng Quản trị, một số nội dung về Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2022, năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 và năm 2023. Như vậy, BaF Việt Nam đã công bố thông tin chậm hơn từ 1 - 2 năm so với quy định hiện hành.
Cũng liên quan đến việc công bố thông tin, vào giữa năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam, số tiền phạt 85 triệu đồng do thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định.
Tiếp đó, Công ty bị phạt tiền 92,5 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, với vi phạm công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, Công ty bị phạt tiền 65 triệu đồng. Tổng số tiền phạt đối với CTCP Nông nghiệp BAF là 242,5 triệu đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt gần 3.927 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 4 lần lên 214 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8,2%, lên 12,9%.
Động lực tăng trưởng chính đến từ mảng chăn nuôi heo khi giá bán heo hơi lẫn sản lượng tiêu thụ đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. BaF Việt Nam cho biết đã tiêu thụ hơn 422.000 heo thịt trong 9 tháng đầu năm, thu về gần 2.275 tỷ đồng, lần lượt cao gấp 1,5 về sản lượng và 1,9 lần về doanh thu so với cả năm 2023.
Năm nay, BaF Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu gần 5.544 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gần gấp 10 lần, đạt 306 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành gần 71% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Trong một diễn biến khác, BaF Việt Nam vừa cùng lúc mua lại 49% vốn điều lệ của 05 doanh nghiệp chăn nuôi tại tỉnh Quảng Trị và 95% vốn góp tại 01 doanh nghiệp chăn nuôi ở tỉnh Đắk Lắk. Đây là động thái mới nhất trong việc mở rộng mảng chăn nuôi khép kín 3F của doanh nghiệp này.
Tính đến cuối quý 3.2024, BaF Việt Nam vận hành 36 trang trại, cụm trang trại chăn nuôi heo trên toàn quốc. BaF Việt Nam hiện đặt mục tiêu mở rộng quy mô đàn chăn nuôi heo lên mức 450.000 con heo nái và 10 triệu con heo thịt vào năm 2030.
Lịch sử kinh doanh BAF cho thấy, vào năm 2022, ông Trương Sỹ Bá trở thành tân Chủ tịch của CTCP Nông nghiệp BaF Việt.
Trước khi nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở BAF, ông Trương Sỹ Bá được biết đến với hệ sinh thái Tân Long Group vốn khá kín tiếng trên thị trường.
Tân Long Group từng được biết đến với cái tên CTCP Hóa Chất Công Nghiệp Tân Long có tiền thân là Công ty TNHH Tân Long Vân được thành lập vào năm 2000. Với nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, năm 2006, Tân Long Vân chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP. Chủ tịch của Tân Long Group là ông Trương Sỹ Bá sinh năm 1967.
Lịch sử kinh doanh của Tân Long Group cho thấy, các lĩnh vực khai thác khoáng sản, buôn hóa chất, buôn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đến xuất khẩu gạo, đều ghi dấu ấn và gặt hái thành công.
Từ tháng 8.2011, khi Tân Long Group được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có thời hạn đến tháng 9.2012 (sau đó được thời hạn đến 5 năm/lần), hoạt động kinh doanh của công ty chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc giúp Tân Long Group góp mặt vào nhóm doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô và duy trì từ đó. Đến nay, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 80% doanh thu của Tân Long Group.