Về sự ra đời nhạc phẩm “Nối vòng tay lớn”

Nhạc phẩm Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn ra đời vào tháng Tư năm 1970, nay vừa tròn 38 năm. Hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm khá đặc biệt, liên quan mật thiết đến một người, đó là liệt sĩ Ngô Kha với trại “Nối vòng tay lớn” được tổ chức trong 2 ngày 24 và 25.4.1970.

      Ngô Kha là nhà giáo, nhà thơ, còn Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ rất nổi tiếng trong phong trào đấu tranh yêu nước vào những năm 60 của thế kỷ 20 ở Huế và các đô thị miền Nam nước ta. Tôi may mắn có được một số kỷ niệm đậm nét về hai Người. Kỷ niệm sâu sắc nhất là cuộc trại “Nối vòng tay lớn” do thầy Ngô Kha chủ xướng và ở cuộc trại này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác và lần đầu tiên phổ biến nhạc phẩm “Nối vòng tay lớn”.
      Năm 1970, tôi học lớp 12 ban C trường Quốc học Huế, đang ở vào giai đoạn cuối của học kỳ 2 và chuẩn bị thi tốt nghiệp Tú tài toàn phần. Thầy Ngô Kha là giáo viên dạy văn học tại trường này. Tôi chỉ được trực tiếp học thầy Ngô Kha vỏn vẹn 2 tiết văn và 2 tiết sử, khi thầy được phân công dạy thay cho đồng nghiệp bị ốm. Thế nhưng, tôi học ở thầy rất nhiều ở môi trường khác. Hầu như tại các buổi hội thảo, các cuộc xuống đường biểu tình của sinh viên, học sinh Huế bấy giờ tôi đều thấy có sự hiện diện của thầy Kha. Tại đây, thầy đã có những bài phát biểu, đọc thơ với nhiều chủ đề khác nhau. Thầy Ngô Kha vốn là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của khóa học đầu tiên trường Đại học Sư phạm Huế (1963), đồng thời là một Cử nhân Luật loại giỏi của Đại học Luật - Huế (1965).
      Tháng 4.1970, với khẩu hiệu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam đang ở vào thời điểm cao trào. Trong những tháng ngày sôi động đó, vào ngày 20.4.1970, bạn tôi là Nguyễn Văn Anh bí mật thông báo: “Chuẩn bị đi dự cuộc trại do thầy Ngô Kha và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào sáng  sớm 25.4 tại Tân Mỹ, Thuận An”. Vốn là một trưởng lớp kỳ cựu, hoạt động trại là một trong các sở thích của tôi, lại được tham dự trại do thầy Ngô Kha tổ chức là một vinh dự lớn, tôi hưởng ứng ngay.
      Khởi hành từ Huế bằng xe đạp lúc 5g15 đến đất trại đúng 6g30 ngày 24.4. Đúng 7 giờ sáng hôm ấy, tại khu rừng dương liễu cổ thụ thuộc thôn Tân Mỹ, xã Phú Thuận, cuộc trại chính thức được bắt đầu. Sau một số nghi thức thông thường, thầy Ngô Kha phát biểu khai mạc trại. Nội dung phát biểu có mấy ý chính: Chúng ta, tôi và các anh, chị đều mang trong tim bầu nhiệt huyết với tình yêu thương nồng nàn Tổ quốc mình, đồng bào mình, với nỗi căm hờn kẻ gây nên chiến tranh, chia cắt, hận thù ... Tất cả chúng ta cùng nắm tay nhau đoàn kết để đấu tranh cho một ngày mai hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do, no ấm. Với tinh thần ấy, cuộc trại hôm nay của chúng ta lấy tên Trại nối vòng tay lớn. Trại ca là bài Nối vòng tay lớn do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa sáng tác.
      Gương mặt trầm tỉnh, ánh mắt rực sáng và sâu lắng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nâng cây guitar lên ngực, dạo mấy nốt nhạc rồi hạ đàn xuống, anh nhỏ nhẹ nói: Chúng ta cùng nhau tập và hát bài Nối vòng tay lớn. Trước hết tôi hát hai lần bài hát này để anh chị nghe. Anh say sưa hát: “Rừng núi dang tay nối liền biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng. Trời rộng bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam. Cờ nối gió đêm vui nối ngày, dòng máu nối con tim đồng loại dựng tình người trong ngày mới. Thành phố nối thôn xa vời vợi, người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nối trên môi…”.
      Giai điệu, nội dung sâu sắc của lời hài hát, phong thái thể hiện của anh đã làm rung động tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi cất cao tiếng hát vừa nắm tay nhau say sưa bước sôi nổi, rộn ràng theo nhịp, tạo thành năm vòng tròn từ bé đến lớn. Đặc biệt ca từ của bài hát vừa gần gũi vừa thiêng liêng, gây cho chúng tôi sự xúc cảm mãnh liệt. Đồng thời gợi lên cho chúng tôi về một ngày mai thắng lợi; Người với người, dù là Nam hay Bắc, dù quê nghèo hay phố lớn, dù già hay trẻ... ngày đó “cờ nối gió đêm vui nối ngày” và mọi người gặp nhau, ôm chầm lấy nhau “anh em ta về mừng như bão cát quay cuồng”…Trong hai ngày trại và những ngày tháng tiếp theo, mỗi khi có dịp tôi lại tiếp tục say sưa hát, bài hát nhiều kỷ niệm này, hát với bạn bè, đồng đội, hát với mọi người.
      38 năm đã trôi qua, với biết bao biến đổi. Ngô Kha - người thầy tài hoa đã hy sinh anh dũng vào hè 1973 - sau Hiệp định Paris khi vừa mới qua tuổi 30, là một liệt sĩ tiêu biểu của phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ tài hoa cũng đã về cõi vĩnh hằng cách nay tròn 7 năm. Rừng dương liễu Tân Mỹ năm xưa không còn nữa, thay vào đó là một bến cảng hiện đại, chúng tôi cũng đều xấp xỉ tuổi 60. Công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoà bình, ấm no, hạnh phúc đang được hơn 80 triệu đồng bào chung tay thực hiện. Tình thần Nối vòng tay lớn ngày ấy, đến nay vẫn là một thông điệp đang được giữ gìn, trân trọng. Lớp lớp thanh niên, sinh viên ở mọi miền đất nước đang ngày đêm hăng say lao động, sáng tạo và say sưa hát mãi: “Nối vòng tay  lớn”.

Đoàn Nhuận

Văn hóa

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.