
Bức tranh văn hóa đa sắc màu
Được sự cho phép của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Hội nghị Thành phố phối hợp Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức Festival Phở 2025 với sự bảo trợ của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và các đơn vị đồng hành khác.
Festival Phở 2025 được tổ chức tại Hà Nội, nơi được xem là một trong những cái nôi của phở Việt Nam. Sự kiện kéo dài ba ngày, từ ngày 18 đến 20/4, thu hút hơn 60.000 lượt khách ở các địa phương và các nước trên thế giới. Tại đây, khách tham dự không chỉ được thưởng thức những tô phở nóng hổi mà còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa đặc sắc, từ biểu diễn nghệ thuật dân gian, triển lãm về lịch sử phở, đến các buổi giao lưu với những nghệ nhân nấu phở nổi tiếng.
Festival Phở 2025 không chỉ tôn vinh phở mà còn là cơ hội để giới thiệu những giá trị văn hóa Việt Nam. Những buổi biểu diễn nghệ thuật như hát xẩm, múa quạt xòe, và nhảy sạp đã mang đến cho khách cái nhìn toàn diện về sự phong phú của văn hóa Việt Nam.
Một hoạt động đặc biệt trong khuôn khổ lễ hội là tọa đàm “Hành trình trở thành di sản Unesco và lan tỏa quốc tế”, nơi các nhà nghiên cứu văn hóa, đầu bếp, và nghệ nhân cùng thảo luận về những giá trị văn hóa - ẩm thực đặc sắc của phở; chia sẻ các định hướng, giải pháp nhằm đưa phở khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới, trở thành biểu tượng toàn cầu của ẩm thực Việt Nam. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý cho rằng: “Điều cốt lõi chính là giá trị văn hóa sâu sắc mà phở mang theo. Đó là món ăn chứa đựng trong đó ký ức, tập quán, lối sống và tâm hồn của người Việt. Mỗi bát phở là một câu chuyện, là sự chắt lọc từ nguyên liệu đến cách chế biến, từ khâu lựa chọn xương ninh, gia vị cho đến cách thưởng thức... có thể gọi là cả một nghệ thuật. Sức sống của phở cũng nằm ở chỗ, đó là món ăn không kén người ăn, phù hợp với mọi tầng lớp, từ người lao động bình dân đến người khá giả, sung túc. Phở có thể vừa là bữa sáng quen thuộc, vừa là món ăn được đưa lên bàn tiệc quốc tế...”
Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức các tiết mục quảng diễn nấu phở dành cho du khách quốc tế, giúp họ hiểu rõ hơn về kỹ thuật ninh nước dùng, cách chọn nguyên liệu, và ý nghĩa của từng loại gia vị. Chị Marie Dubois- một du khách đến từ Pháp, chia sẻ: “Tôi đã ăn phở ở Paris, nhưng được tự tay nấu phở tại Hà Nội là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ và tình yêu mà người Việt dành cho món ăn này.”

Quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, Festival Phở 2025 đã đặt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến quy trình chế biến và phục vụ. Ban tổ chức đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm soát chất lượng toàn bộ nguyên liệu đầu vào, từ những thành phần chính như thịt bò, thịt gà, bánh phở, đến các loại gia vị như muối, nước mắm, hồi, quế, và các loại rau thơm như hành, mùi, húng quế.
Mỗi nhà cung cấp nguyên liệu tham gia lễ hội đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc và chất lượng. Thịt được sử dụng đều đến từ các trang trại đạt chứng nhận vệ sinh an toàn, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào chế biến. Bánh phở được sản xuất từ các cơ sở uy tín, bảo đảm không sử dụng chất bảo quản hay phụ gia độc hại. Các loại gia vị, đặc biệt là nước mắm và muối, được lựa chọn từ những thương hiệu nổi tiếng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Masan Consumer với các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Rau thơm và các loại thảo mộc được cung cấp từ các nông trại hữu cơ, được rửa sạch và bảo quản đúng quy trình để giữ độ tươi ngon và an toàn.

Masan Consumer với thành công của Festival Phở 2025
Sự thành công rực rỡ của Festival Phở 2025 không thể không nhắc đến vai trò của Masan Consumer, Nhà bảo trợ của chương trình. Với tôn chỉ gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, Masan Consumer mang đến những đóng góp thiết thực, từ việc hỗ trợ tổ chức các không gian văn hóa ẩm thực mang màu sắc của các vùng miền rất thiết thực, tài trợ đến việc giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng tầm trải nghiệm của du khách.
Sự hỗ trợ của Masan Consumer tại các chương trình không chỉ dừng lại ở khía cạnh đưa những hình ảnh đẹp mà còn thể hiện qua những nỗ lực bảo tồn phát huy và quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam hướng tới Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại do UNESCO công nhận. Các sản phẩm của Masan được giới thiệu tại lễ hội đã nhận được sự yêu thích từ du khách, đặc biệt là khách quốc tế, những người mong muốn mang hương vị Việt Nam về quê nhà. Đây là minh chứng cho vai trò của Masan Consumer trong việc không chỉ bảo tồn mà còn hiện đại hóa các giá trị ẩm thực truyền thống Việt Nam hướng ra thế giới.
Dư âm và tầm nhìn cho tương lai
Festival Phở 2025 đã khép lại, nhưng những giá trị văn hóa mà sự kiện mang lại vẫn tiếp tục lan tỏa. Lễ hội không chỉ là dịp để tôn vinh phở mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên bản đồ văn hóa thế giới. Những câu chuyện trong Phở Story, hình ảnh những nghệ nhân tận tụy bên nồi nước dùng, và nụ cười của du khách khi thưởng thức tô phở nóng hổi đã tạo nên một bức tranh sống động về một Việt Nam giàu bản sắc và đầy sức sống.
Thành công của Festival Phở có sự đồng hành quan trọng của Masan Consumer, các nghệ nhân cùng các đơn vị: Tổng Công ty Cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội, Nhãn hàng nước tinh khiết Bluezone, Ngân Hàng TMCP Kiên Long, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Trung Tâm Unesco Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Chi hội Phở Vân Cù- Nam Định, TikTok (đơn vị đồng hành Bảo trợ truyền thông). Chính sự đồng lòng và tâm huyết của tất cả đã biến lễ hội này thành một sự kiện văn hóa đáng tự hào, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.