Với vị trí chiến lược quan trọng nơi vùng đất cuối trời Nam, nơi tiếp giáp biển đảo và biên giới, Kiên Giang không chỉ là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên mà còn có một bề dày lịch sử gắn liền với quá trình mở cõi, khai hoang và đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Trước khi có danh xưng như hiện nay, Kiên Giang từng được biết đến là một đạo ở vùng Rạch Giá thuộc trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích thành lập năm 1757. Đến năm 1808, đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang.

Hình ảnh trưng bày phần 1
Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên. Từ thời vua Tự Đức đến trước khi thực dân Pháp xâm lược năm 1867, tỉnh Hà Tiên gồm 1 phủ An Biên, 3 huyện là Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên.
Thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Hà Tiên cũ được tổ chức thành hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá. Nơi đây là địa bàn diễn ra nhiều trận đánh lớn, nổi bật là các trận đánh của Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đã làm quân Pháp tổn thất lớn ở miền Tây Nam Kỳ, trong đó có vụ đốt tàu L’Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861 và Trận Đồn Rạch Giá năm 1868. Tuy nhiên, phong trào này cuối cùng bị đàn áp, Nguyễn Trung Trực bị bắt và hy sinh tại Rạch Giá nhưng tinh thần yêu nước của ông vẫn sống mãi trong lòng nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Kiên Giang là một trong những chiến trường ác liệt của miền Nam. Quân và dân địa phương đã anh dũng chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Vùng U Minh Thượng và các huyện đảo như Phú Quốc cũng là căn cứ quan trọng của quân giải phóng trong giai đoạn này. Quân và dân Kiên Giang cùng với cả nước đã giành được thắng lợi vẻ vang, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước ngày 30.4.1975.

Hình ảnh trưng bày phần 2
Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh là phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh, đồng thời bảo vệ biên cương, hải đảo ở vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, đẩy mạnh ngành công nghiệp và dịch vụ tại Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc. Đặc biệt, đảo Phú Quốc đã trở thành trung tâm du lịch, kinh tế quan trọng của cả nước, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Ngày nay, Kiên Giang đẩy mạnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, tiếp tục khai thác tiềm năng về kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong hành trình phát triển ấy, tài liệu lưu trữ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà còn là nguồn tư liệu quý giá giúp nhìn lại chặng đường đã qua một cách chân thực, sinh động và toàn diện. Các văn bản, hình ảnh, bản đồ, thư tịch, tài liệu hành chính… được lưu giữ qua từng thời kỳ là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Kiên Giang qua các trang sử liệu quý sẽ phản ánh một phần lịch sử của vùng đất anh hùng này từ thời kỳ mở cõi cho đến ngày nay. Tài liệu lưu trữ trưng bày về chủ đề này phần lớn được lựa chọn từ các Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang và một số nguồn sưu tầm khác.
Cụ thể, trưng bày giới thiệu hình ảnh, tài liệu về Lịch sử tỉnh Kiên Giang qua tài liệu lưu trữ gồm 4 phần: Hà Tiên - Kiên Giang từ mở cõi đến năm 1867; Kiên Giang từ 1867 - 1975; Kiên Giang từ 1975 đến nay; Huyện Vĩnh Thuận: 60 năm hình thành và phát triển.
Trưng bày phác họa những dấu ấn quan trọng trong lịch sử của tỉnh Kiên Giang thông qua hơn 300 hình ảnh, tài liệu lưu trữ, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên công bố rộng rãi. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).