Tất cả vì miền Nam!
Có mặt tại trưng bày, bà Nguyễn Thị Phương, cựu thanh niên xung phong Đoàn 559 mở đường huyết mạch đường Hồ Chí Minh xúc động nhớ lại những năm tháng cùng đồng đội "phá núi, mở đường”. Đó là những năm 1963 - 1968, trên cung đường 12A từ Quảng Bình sang Lào, với dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, quang gánh, xe cút kít, kèm theo cây súng trường sẵn sàng chiến đấu, bà và đồng đội dầm mưa dãi nắng, nơm nớp trong bom rơi đạn nổ làm đường.
Tuy nhiên, khó khăn và nguy hiểm đã không ngăn cản được ý chí của đội quân tóc dài. "Chúng tôi thay nhau đào đường, vận chuyển quân nhu, thực phẩm; động viên nhau giữ vững tinh thần chiến đấu, tất cả vì miền Nam”, bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, chiến sĩ cách mạng từng viết huyết thư vào chiến trường miền Nam chiến đấu cũng tâm sự, "xem các hình ảnh và hiện vật tại trưng bày, tôi lại nhớ về một thời thanh niên sôi nổi, hừng hực khí thế chiến đấu vì miền Nam thân yêu. Lứa chúng tôi ngày đó ai cũng sôi sục tinh thần cách mạng với quyết tâm cao. Sau này, cũng với tinh thần vì Tổ quốc, vì đồng đội và vì thế hệ trẻ, tôi lại tiếp tục vào Nam, ra Bắc sưu tầm hiện vật, tư liệu về cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc”.
Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, thương tật 1/4, nhưng với tinh thần "Ba sẵn sàng" năm xưa, ông Lâm Văn Bảng vẫn cùng đồng đội đi đến các tỉnh, thành phố, sưu tầm được hơn 5.000 kỷ vật, xây dựng Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại quê nhà Phú Xuyên (Hà Nội).

Gây xúc động tới người xem và các nhân chứng có mặt tại khai mạc trưng bày là hoạt cảnh tái hiện công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, bị mắc kẹt trong hang đá năm 1972.
Ngày 14.11.1972, tám thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217 đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom trên đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình) thì máy bay Mỹ ập đến, trút bom dữ dội. Họ vội chạy vào hang trú ẩn, nhưng một khối đá khổng lồ đã bịt kín cửa hang.
Dù lực lượng bộ đội công binh và thanh niên xung phong đã tìm cách phá đá mở cửa hang nhưng đều không thành công. Đến ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy... tiếng kêu cứu “Các anh! Các chị ơi! Cứu chúng em với!” yếu dần. Ngày thứ chín, không còn nghe thấy tiếng kêu cứu, tám thanh niên xung phong mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, để lại nỗi tiếc thương vô hạn giữa núi rừng Trường Sơn...

Hoạt cảnh tái hiện công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng
Tại không gian trưng bày cũng tái hiện tổ hợp Hang đá trên đường Trường Sơn, phần nào phản ánh cuộc sống gian khổ nhưng kiên cường của những người lính, y bác sĩ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ nơi rừng thiêng, nước độc, bất chấp hiểm nguy để giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường huyết mạch.
Những hình ảnh sinh động
Trưng bày “Khúc ca hòa bình” gồm 3 phần: "Tất cả cho tiền tuyến", "Mở đường thống nhất", "Đất nước trọn niềm vui". Trong đó, “Tất cả cho tiền tuyến” là những hình ảnh về năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng triệu thanh niên với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã lên đường chiến đấu.
Các tư liệu, hình ảnh thể hiện nhiệt huyết của thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc với nhiệm vụ mở con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh), luôn bám trụ trận địa, bám trụ mặt đường, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt.

“Mở đường thống nhất” phản ánh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Trị - Thiên, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”... góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hàng nghìn chiến sĩ bị địch bắt, tù đày đã được trao trả cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào năm 1973 tại hai địa điểm chính là bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, Bình Phước).
Toàn bộ phi công Mỹ ở các trại giam miền Bắc Việt Nam được tập trung về Trại giam Hỏa Lò để trao trả cho Chính phủ Mỹ từ tháng 1 - 3.1973. Những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt hạnh phúc… đã trở thành kỷ niệm khắc ghi trong tâm thức những người trở về sau cuộc chiến.

Nội dung “Đất nước trọn niềm vui” khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã góp phần quan trọng làm thay đổi thế và lực trên chiến trường miền Nam, tạo điều kiện để đẩy mạnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi.
Nhiều hiện vật tại trưng bày “Khúc ca hòa bình” minh chứng cho câu chuyện của những người đã đi qua chiến tranh với tất cả lòng dũng cảm, niềm tin và nỗi nhớ. Đó là tập thơ của đồng chí Nguyễn Tài Triệu (bút danh Hải Triều) và đồng chí Nguyễn Tất Thành (bút danh Thành Tâm) sáng tác trong Trại giam tù binh Phú Quốc; thư của đồng chí Đặng Thái Lập (Đặng Hồng Sơn) viết từ chiến trường miền Nam gửi gia đình, ngày 26.11.1965...