Trong các nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vừa qua phải đóng cửa, thì có nguyên nhân quan trọng từ việc trước đây, doanh nghiệp vay vốn lãi suất quá đắt, đến 22%, thậm chí cao hơn. Làm ăn khó khăn, trong khi vẫn phải trả lãi, khiến ngay tại thời điểm này, nợ xấu phát sinh, con nợ bị cùng lúc nhiều ngân hàng đòi nợ. Do đó, hạ mặt bằng lãi suất là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp, nền kinh tế giảm gánh nặng khi đi vay, thúc đẩy phục hồi sản xuất.
Về lý thuyết, có thể giảm lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay bằng hai cách. Thứ nhất là giảm lạm phát, vì hiện lãi suất tiền gửi thường được căn cứ vào lạm phát. Thường thì lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát để lãi suất thực dường, thu hút người gửi tiền. Lãi suất tiền gửi thấp thì lãi suất cho vay theo đó cũng thấp. Thứ hai, để lãi suất đầu ra giảm, thì mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra phải nhỏ. Ví dụ, nếu lãi suất đầu vào là 7%, ngân hàng để mức chênh lệch là 3% để bù đắp chi phí và có lãi, thì lãi suất cho vay ra là 10%/năm. Nhưng nếu mức chênh lệch là 5%, thì lãi suất cho vay lên đến 12%/năm.
Vậy hiện nay, mức chênh lệch này như thế nào? Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Nguyễn Xuân Thành cho rằng, mức chênh lệch này hiện khá lớn, mức cao nhất có thể đến 6%, mức lãi suất cho vay ra vẫn ở mức 12 đến 13%. Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải chính sách của chúng ta về xử lý nợ xấu là các ngân hàng phải có lợi nhuận để bù đắp nợ xấu trong tương lai hay không?. Nếu như vậy, áp lực là nền kinh tế phải chấp nhận mức chênh lệch đó, khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Đó là nền tảng tại sao có đánh giá kinh tế chỉ tăng trưởng 5% hay trên 5% thời gian sắp tới.
Góc nhìn của tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành có thể hiểu là, hiện các ngân hàng thương mại có thể bán nợ xấu cho Công ty mua bán nợ VAMC và trích lập dự phòng tối thiểu 20% cho khoản nợ xấu đó. Nghĩa là sau 5 năm, các NHTM sẽ xóa nợ xấu. Muốn có tiền trích lập dự phòng cho nợ xấu thì ngân hàng phải có lợi nhuận. Câu hỏi đặt ra là có phải ngân hàng muốn có nhiều lợi nhuận, nên đẩy chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cao hay không?
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Lê Xuân Nghĩa, đưa ra con số chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thấp hơn con số của tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành. Tính toán từ 8 ngân hàng thương mại lớn, ông Nghĩa cho biết, mức chênh lệch bình quân giữa lãi suất huy động và cho vay từ 4,3 đến 4,5%. Mức chênh lệch cao nhất là 5%.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước lại cho rằng, mức lãi suất chênh lệch không lớn như thế. Thay vào đó, con số ông đưa ra chỉ là khoảng 2,8%, và con số này được khảo sát ngay giữa tuần vừa rồi. Cụ thể, mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương, khấu hao… thì khoảng 3%. Còn nếu không tính trả lương, khấu hao… thì chênh lệch này từ 1,3 - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm.
Trả lời về các thắc mắc này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe cho biết, lãi suất cho vay ra hiện nay chỉ 11,5%, mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra chỉ là dưới 3%. Không thể có lãi suất nào cao đến mức chênh lệch lãi suất đến 5 hay 6%. Nếu chênh lệch lớn như vậy, thì lợi nhuận công bố của các ngân hàng thương mại trên thị trường chứng khoán rất “kếch xù”. Không như có ngân hàng, tổng tài sản gần 30.000 tỷ mà lợi nhuận có 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, một cán bộ cho vay khách hàng DN của một ngân hàng hạng trung ở Hà Nội cho biết, mức lãi suất cho vay 9 - 10% cũng có, nhưng phải là những khách hàng rất thân thiết, uy tín với ngân hàng và cho vay từ những nguồn vốn huy động lãi suất rất thấp, thấp hơn cả lãi suất tiền gửi thông thường. Còn thông thường, mức cho vay vẫn phổ biến ở 12 - 13%/năm.