Phân cấp mạnh hơn cho địa phương
VCCI vừa gửi Bộ Công an bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Theo VCCI, Điều 1.10.đ Dự thảo (sửa đổi Điều 44.11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP) đã phân thẩm quyền cho Công an cấp tỉnh với các thủ tục cấp chứng chỉ tư vấn giám sát, chỉ huy thi công về phòng cháy, chữa cháy.
Rà soát Nghị định 136/2020/NĐ-CP (Nghị định 136), các chứng chỉ khác như chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, thẩm định; tư vấn giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định có điều kiện tương tự với các thủ tục trên (gồm văn bằng đào tạo, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm làm việc). Việc xác định các điều kiện này cũng không phức tạp do đã được cấp bởi cơ quan, tổ chức khác.
Do vậy, để đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng phân thêm thẩm quyền cho Công an cấp tỉnh cấp các loại chứng chỉ trên.
Về thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy và chữa cháy, theo Điều 1.2.đ Dự thảo (sửa đổi Điều 13.12 Nghị định 136), thẩm quyền này được giao cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh.
Theo đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt phòng cháy và chữa cháy đối với dự án không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc quy định thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy và chữa cháy của Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp này đối với các dự án nhóm A sẽ gây tốn kém chi phí và mất thời gian hơn so với tại cấp tỉnh.
“Chủ trương của Chính phủ hiện nay là đẩy mạnh phân cấp việc thực thi pháp luật cho địa phương, các cơ quan Trung ương tập trung vào công tác xây dựng pháp luật và giám sát thi hành, không trực tiếp thực thi việc cấp phép. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng phân cấp thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy với các dự án nhóm A cho địa phương”, VCCI đề nghị.
Cơ quan nhà nước chỉ nên làm hậu kiểm
Cũng theo VCCI, một số doanh nghiệp phản ánh mặc dù Nghị định 136 không áp dụng hồi tố, tuy nhiên họ vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy, hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy (nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ), hoặc phải thay thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Điều 38 Nghị định 136 quy định về việc kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là việc đánh giá, xác nhận sự phù hợp của phương tiên với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tương ứng. Về bản chất, đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã tiến hành xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp. Theo đó, cơ quan nhà nước uỷ quyền hoặc chỉ định một số tổ chức có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ kiểm định. Cơ quan nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm để bảo đảm rằng các tổ chức kiểm định được cấp phép thực hiện đúng quy định.
Tuy nhiên, Điều 38 Nghị định 136 vẫn quy định thẩm quyền kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy thuộc về cơ quan Công an (dù là Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hay Công an tỉnh). Điều 38.11.c Nghị định 136 cũng cho phép các tổ chức tư vấn kiểm định có quyền tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng theo các thông số kỹ thuật của phương tiện. Mặc dù vậy, kết quả này chỉ có ý nghĩa là cơ sở để cơ quan công an xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định, chứ chưa được coi là căn cứ để hàng hóa được lưu thông.
Do vậy, cần sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.
Chỉ thẩm duyệt thiết kế nếu cải tạo gây ra sự thay đổi lớn
Về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng, Điều 13.3.b Nghị định 136 quy định các dự án, công trình khi cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, phạm vi quy định tương đối rộng do chỉ cần một thay đổi nhỏ liên quan đến việc cải tạo cũng có thể phải xin thẩm duyệt thiết kế.
Vì thế, để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi quy định theo hướng việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy.
Các nội dung thay đổi lớn có thể cân nhắc bao gồm: thay đổi công năng; ảnh hưởng đến đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh; bổ sung vách ngăn, tường ngăn để ngăn chia lại mặt bằng ảnh hưởng đến đường thoát nạn, khoảng cách thoát nạn, diện tích gian phòng hoặc có thêm hành lang (liên quan đến các khu vực yêu cầu thiết kế hệ thống hút khói).
Bên cạnh đó là việc bổ sung, thay đổi vị trí đầu báo cháy, đầu phun có ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật của hệ thống hiện hữu (vượt quá số lượng đầu báo cháy tối đa của 01 kênh, số lượng địa chỉ báo cháy tối đa của 01 loop, số lượng đầu phun sprinkler được quản lý bởi 01 van điều khiển…).