Hải Phòng:

Khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024

Tối 17.3, tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, TP Hải Phòng, quận Lê Chân tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là sự kiện được quận Lê Chân tổ chức hàng năm nhằm phát huy các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - Người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, thành phố Hải Phòng ngày nay.

Nữ tướng Lê Chân là võ tướng dưới thời Hai Bà Trưng, cùng với những thủ lĩnh anh hùng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà đã tham gia đánh đuổi giặc Hán đô hộ và trở thành vị tướng có nhiều công lao, thể hiện tinh thần độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc ta những năm đầu công nguyên. Với những công đức lớn lao của Nữ tướng Lê Chân - Thánh Chân công chúa, trải qua gần hai nghìn năm, bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, người dân Hải Phòng đã lập đền thờ phụng, suy tôn bà lên bậc Thánh Mẫu, là thành hoàng của vùng đất ven biển, công đức của vị nữ tướng còn in đậm trong tâm trí người dân Hải Phòng, những di tích và những huyền thoại về bà vẫn được Nhân dân truyền tụng ghi nhớ.

Khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 -0
Các hoạt động tại lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Nhớ đến công đức của Bà, từ xa xưa nhân dân Hải Phòng và các vùng phụ cận tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tại Đền Nghè, Đình An Biên... để bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn một vị tướng tài ba, tâm phúc của Hai Bà Trưng. Những giá trị tinh thần đó trải qua thời gian được kết tinh lại thành giá trị văn hóa vô giá của dân tộc nói chung và của người dân Hải Phòng nói riêng, tiếp nối lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân tổ chức hằng năm trong 3 ngày 7, 8, 9 tháng 2 âm lịch.

Trước khi diễn ra Lễ khai mạc, Lễ rước bộ được thực hiện theo nghi thức truyền thống. Hai đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người theo đúng nghi lễ truyền thống với các Dàn bát âm, Đội sanh tiền, Dàn bát biểu, Chấp kích, Kiệu hoa, Lọng che, Kiệu võng, Đoàn tế nữ quan… Đám rước xuất phát từ Đền Nghè và Đình An Biên đi qua các tuyến phố về khu vực trước Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Tiếp đó, các đại biểu, nhân dân và du khách tiến hành Lễ dâng hoa, dâng hương trước Tượng Nữ tướng Lê Chân.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội với chủ đề “Nữ tướng miền cửa biển” bao gồm 3 chương: An Biên một thuở; Nữ tướng miền cửa biển; Lê Chân ngày sáng tươi. Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp âm nhạc hiện đại, âm nhạc đương đại và hát tuồng, hát ca trù cùng với hình ảnh, hoạt cảnh sân khấu đã tái hiện sử thi về Nữ tướng Lê Chân.

Đến lễ hội, nhân dân và du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa tâm linh cùng các hoạt động truyền thống theo văn hóa xa xưa như: Chợ quê - Làng Vẻn; chương trình cờ người và các trò chơi dân gian; lễ dâng hương ngày Thánh đản Nữ tướng Lê Chân; lễ tế cáo yết; canh hát cửa đình; lễ dâng hoa thủy tiên; liên hoan võ cổ truyền; hội thi chim chào mào...

Khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 -0
Bí thư Quận ủy Lê Chân đánh trống khai hội.

Các hoạt động tại lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống, du xuân đầu năm của nhân dân và du khách. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước về các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, đền Nghè linh thiêng thờ Nữ tướng Lê Chân trên phố Mê Linh được xếp hạng Di tích quốc gia và ngôi đình cổ An Biên...

Với những ý nghĩa văn hóa, lịch sử đó, năm 2016, Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân, TP Hải Phòng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bức tượng Nữ tướng Lê Chân là một biểu tượng truyền thống của người dân Hải Phòng và được đặt dựng giữa trung tâm thành phố Cảng.

Văn hóa

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau có quy mô hơn 20.000 ha.
Văn hóa - Thể thao

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau hài hòa và khác biệt

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội đồng thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô 20.100ha, mang tính giá trị văn hóa, lịch sử, thiêng liêng của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột
Địa phương

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột

"Vũ điệu Ban Mê" - chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Đây là một hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển; 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.

Toàn cảnh tọa đàm khoa học về nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Binh Lục sáng 18.10
Văn hóa - Thể thao

Vũ Bình Lục - người giải mã nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại

Tại tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức sáng 19.10, các đại biểu cho rằng, Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam.

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"
Văn hóa - Thể thao

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"

Ngày 19.10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia.