Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay TP. Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh Đắk Lắk mà còn là nơi hội tụ nét văn hóa độc đáo của hơn 40 dân tộc anh em, với nhiều di sản văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng cho biết, chương trình nghệ thuật "Vũ điệu Ban Mê" nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cũng như bảo tồn trang phục và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk.
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng. Được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là cách để tạo ra những món đồ dùng hàng ngày mà còn là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong những năm qua, việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bước đầu mang lại hiệu quả. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã và đang hình thành, phát triển, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực.
Song song với đó, thành phố luôn quan tâm và triển khai tổ chức truyền dạy văn hoá phi vật thể, nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm; nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình “Vũ điệu Ban Mê” đã mang đến những màn biểu diễn nghệ thuật hết sức ý nghĩa, được dàn dựng công phu; các nghệ nhân đã giới thiệu các sản phẩm và biểu diễn quy trình dệt thổ cẩm; trình diễn các bộ trang phục thổ cẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc thiếu số do các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu Việt Nam thực hiện.
Cùng với đó, chương trình còn tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên qua các hình ảnh gần gũi trên sân khấu như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm gốm, đan lát, chiếc gùi… và tái hiện lễ ăn cơm mới, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ lúa mới, lễ rước nước, lễ chúc sức khỏe. Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp, lôi cuốn, hấp dẫn, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Gắn bó với mảnh đất Buôn Ma Thuột hơn 40 năm, được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc tại nơi mình sinh sống, ông Hoàng Công Thắng (phường Tự An) chia sẻ: “Tôi đã xem rất nhiều chương trình nghệ thuật âm nhạc dân tộc, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi theo dõi xuyên suốt. Chương trình đưa tôi đến từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và đến khi chương trình kết thúc vẫn khiến tôi tiếc nuối mãi. Điều ấn tượng nhất là chương trình cho tôi hiểu hơn về tập tục văn hóa của con người nơi đây và tôi muốn học thêm ngôn ngữ của người Ê Đê để hiểu hơn về phong tục tập quán của họ.”
"Đây là chương trình rất ý nghĩa, gần gũi với đời sống của dân tộc Ê Đê của chúng tôi nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Qua đó thể hiện được văn hóa truyền thống của của chúng tôi, đồng thời tôi rất tự hào về con người mảnh đất nắng gió Tây Nguyên này. Tôi mong muốn những hình ảnh thiên nhiên, con người, thổ cẩm cùng nét văn hóa của đồng Ê Đê chúng tôi sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa để du khách khắp mọi miền gần xa biết đến.", chị H'Tryền Byă, trú tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cùng gia đình đến xem chương trình, xúc động chia sẻ.