Tàu Amiral La Touche De Tréville là một trong 6 chiếc tàu cỡ lớn chuyên chạy tuyến đường Pháp - Đông Dương, vừa chở hàng vừa chở khách. Ngày 3.6.1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu bắt đầu làm phụ bếp, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba. Ngày 5.6.1911, trên con tàu này, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước.
Theo thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, tàu Amiral La Touche De Tréville có khả năng chứa hàng và người lên tới 3.436 tấn. Tàu có hai dàn cột cầu. Vỏ tàu bằng sắt, có một chân vịt, 8 hầm kín nước, 1 hầm nước dằn tàu và hai boong. Toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng điện.
Dự án phục dựng sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm cải tạo cảnh quan, xây dựng không gian hiện hữu, phục dựng tàu Amiral La Touche De Tréville theo tỷ lệ 1:1. Đặc biệt, căn bếp trên tàu nơi Bác từng làm phụ bếp sẽ được phục dựng nguyên bản. Bên cạnh đó, trong mô hình tàu sẽ có không gian trưng bày tư liệu, hình ảnh của Bác trong hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước.
Giai đoạn 2 của dự án là mở rộng diện tích Bảo tàng về phía Cảng Sài Gòn. Đồng thời, thiết kế và mở rộng không gian trưng bày những hiện vật gắn liền với cuộc đời làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh được đặt trong ngôi nhà cổ (từng là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes tại Sài Gòn trước đây) trên Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước năm xưa. Đây cũng là nơi nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.