Trở về nét mộc mạc dân gian

Trải qua hơn nghìn năm thăng trầm, rối nước đã trở thành niềm tự hào, món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người Việt Nam. Giới thiệu, chia sẻ những câu chuyện xoay quanh rối nước theo các góc nhìn mới là cách lan tỏa nét đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng trẻ tuổi.

Ngược - xuôi rối nước

Ngày 28 - 29.11 vừa qua, khán giả trẻ Hà Nội cùng bước vào hành trình của rối nước xưa và nay, trong không gian truyền thống mang tên “Ngược xuôi rối nước”, do Tired City - thương hiệu sáng tạo dành cho giới trẻ tổ chức. Dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ múa rối Xuân Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long và họa sĩ minh họa Lương Linh, bộ môn nghệ thuật dân gian Việt Nam hiện diện với đầy niềm vui mộc mạc, hồn nhiên, trong trẻo, cả suy tư vui buồn cùng con rối trước những thăng trầm thời gian và sự thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

 Nghệ sĩ Xuân Hồng hướng dẫn các bạn trẻ khám phá bí mật điều khiển nhân vật chú Tễu trong múa rối nước
Nghệ sĩ Xuân Hồng hướng dẫn các bạn trẻ khám phá bí mật điều khiển nhân vật chú Tễu trong múa rối nước

Giữa không gian sân khấu của Nhà hát Múa rối Thăng Long, nghệ sĩ Xuân Long hồi tưởng khi còn là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên chuyên ngành rối của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh, bắt đầu thực tập nghề trong trạng thái đầy bỡ ngỡ. Phía sau thủy đình, những nghệ sĩ múa rối tận tâm truyền dạy, từng cử chỉ, từng chuyển động… với tâm huyết giữ gìn bộ môn nghệ thuật. “Thời nay nhớ chuyện thời xưa, thuở xưa lại nhớ về thuở xưa hơn nữa, ngày mà Nhà hát mới hình thành, các cụ làm nghề sao mà vất vả. Không có thủy đình trong nhà như bây giờ, tất cả biểu diễn ở hồ Hoàn Kiếm. Nhất là mùa đông, quần áo bảo hộ không có, các cụ phải uống nước mắm để giữ ấm cơ thể trước khi ngâm người xuống nước. Ấy vậy mà cứ giữ nghề…”.

13 năm gắn bó với nghề, Xuân Long giờ đây thuộc thế hệ nghệ sĩ trẻ trụ cột của Nhà hát. Tính ra, những con rối Việt cũng đã “nổi nênh” theo nghệ sĩ không biết bao nhiêu buổi diễn, bao nhiêu tích trò, đến nỗi một ngày mà không được điều khiển rối là một ngày đầy nhớ thương. “Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi vẫn đi làm thêm việc khác, nhưng những việc ấy không thể thay đổi con người mình 13 năm nay, quá yêu, quá quen với rối nước, nếu không được diễn thì cứ ngủ mơ, lại bần thần”, nghệ sĩ Xuân Long chia sẻ.

Và một tình yêu khác đã hình thành khi họa sĩ trên con đường nghề nghiệp. Năm 2017, Lương Linh bắt đầu hành trình tìm hiểu về rối nước. Sau 2 năm ngược xuôi Nam - Bắc, họa sĩ đã thực hiện dự án “Rối nước ơi, mình cùng chơi”, sách “Một phường rối nước” mang đến những nét vẽ, câu chuyện sinh động, đầy màu sắc về thế giới rối nước… Lương Linh cho biết: “Nghệ sĩ múa rối gắn bó với rối theo cách truyền thống, còn tôi gắn bó với rối ở một đời sống mới. Ở đó, các em nhỏ sẽ được tiếp cận những thông tin đầu tiên gần gũi nhất, dễ hiểu nhất về một phường rối nước, những nhân vật như chú Tễu, lão nông câu cá, em bé bắt vịt…, các tích trò cấy cày, tát nước, đua thuyền, múa bát tiên...”.

Khám phá hậu trường

“Làm về rối, gặp gỡ nghệ nhân, tôi thực sự bị cuốn hút. Tại sao là mặt nước, tại sao là điều khiển những con rối gỗ, những khó khăn của nghề rối hiện giờ là gì… Bao nhiêu câu hỏi được gợi mở, đến nỗi mấy năm rồi mà tôi chưa sử dụng được hết dữ liệu mình có về rối nước”. Chia sẻ như vậy, họa sĩ Lương Linh cho rằng, có rất nhiều góc tiếp cận với rối nước Việt. Chẳng hạn, đứng ở vai trò khán giả, anh nhìn sân khấu rối nước như một bức tranh động đầy thú vị và bí ẩn. Một trải nghiệm khác, họa sĩ từ sân khấu nhìn xuống và nhận ra giữa những con rối và người xem có sự kết nối, thân thiện đến bất ngờ.

Theo họa sĩ Lương Linh, nếu chỉ nhìn ở phía trước, chúng ta sẽ không hiểu được những khó khăn, vất vả của nghệ nhân khi điều khiển con rối. Nếu chỉ chăm chăm xem vẻ đẹp sân khấu, chúng ta sẽ không biết rằng nghệ sĩ đồng thời còn phải tự bưng bê, sửa chữa con rối, mỗi chương trình phải khom lưng điều khiển hàng tiếng đồng hồ. “Tìm hiểu và hiểu được tất cả những điều như vậy, tôi càng muốn lan tỏa nét đẹp của rối nước đến với mọi người, dựa trên thế mạnh của tôi là hội họa”.

Sự kết nối là điều nghệ nhân xưa đã gửi gắm trong nghệ thuật múa rối nước, để mượn câu chuyện dân gian, thông qua hình ảnh những con rối kể cho người xem về nhân tình, thế thái. Có lẽ, những nghệ sĩ trực tiếp thực hành rối nước như Xuân Hồng, hay như Lương Linh đưa rối nước vào các dự án mỹ thuật, cũng đều vì sự kết nối ấy. “Hiện tại, không chỉ rối nước mà với các môn nghệ thuật khác, thế hệ trẻ đều bị màn che của cuộc sống hiện đại che khuất, gần như không còn quan tâm đến. Mong rằng, sợi dây kết nối sẽ ngày càng nhiều hơn, để rối nước đến gần với giới trẻ, để các bạn không lãng quên tinh hoa văn hóa mà cha ông đã để lại”, nghệ sĩ Xuân Hồng nói.

Đó cũng là thông điệp mà “Ngược xuôi rối nước” muốn đưa tới công chúng. Theo đại diện Tired City Nguyễn Việt Nam, thông qua các hoạt động trưng bày nhân vật rối nước, trò chuyện nghệ sĩ, khám phá hậu trường sân khấu, thưởng thức các màn biểu diễn múa rối đặc sắc… để lan tỏa nét đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với cộng đồng trẻ tuổi. “Xin dẫn lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta hãy cùng nhau khám phá xem con đường nào đã dẫn một con cá từ hồ nước của hiện thực đời sống đến hồ nước của nghệ thuật qua sân khấu thủy đình, để cho hàng nghìn năm nay vẫn chỉ con cá đấy hiện ra, bơi một vòng và quẫy đuôi biến mất mà vẫn quyến rũ người xem và vẫn mang theo bí ẩn đến tận bây giờ. Phải chăng, có một bí mật gì trong đó?’ Bí mật này chúng ta hãy cùng xem, cùng nghe bằng con đường tìm về truyền thống dân gian”.

Văn hóa

Phát huy “kho báu” di sản văn hóa
Văn hóa

Phát huy “kho báu” di sản văn hóa

Ngày 25.10, tại Ninh Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích đã phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch”.

Âm nhạc - nhịp cầu gắn kết
Văn hóa - Thể thao

Âm nhạc - nhịp cầu gắn kết

Bridge, ban nhạc đặc biệt gồm các nhà ngoại giao quốc tế tại Hà Nội và cán bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của âm nhạc trong việc xây dựng những “nhịp cầu” gắn kết. Họ sẽ cùng nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc biểu diễn tại BridgeFest 2024 - lễ hội âm nhạc kết nối, truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng.

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Văn hóa - Thể thao

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Hào quang rực rỡ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay vẫn là dấu ấn lớn trong nền nghệ thuật dân tộc. Từ đây, Việt Nam có thêm cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật nhân loại, hình thành các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cho nền mỹ thuật tạo hình.