Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Hào quang rực rỡ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay vẫn là dấu ấn lớn trong nền nghệ thuật dân tộc. Từ đây, Việt Nam có thêm cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật nhân loại, hình thành các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cho nền mỹ thuật tạo hình.

Mở ra trang sử mới

Sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự ra đời của một trường đào tạo mỹ thuật bậc đại học chính quy, bài bản đầu tiên không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước Đông Dương. Đây là khẳng định của đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Trường Mỹ thuật Đông Dương và sứ mạng lịch sử” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 24.10.

PGS.TS Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Trường Mỹ thuật Đông Dương được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt theo Nghị định ký ngày 27.10.1924 tại Hà Nội. Nhà trường khai giảng khóa học đầu tiên năm 1925 - trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời và quá trình phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

dsc03600-8473-3937.jpg
Hội thảo khoa học “Trường Mỹ thuật Đông Dương và sứ mạng lịch sử” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 24.10

“Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời là tiền đề cho sự khởi dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với lĩnh vực hội họa, đồ họa và điêu khắc”. Nhận định như vậy, PGS.TS Đặng Thị Phong Lan phân tích, trước đó, Việt Nam vốn có một nền mỹ thuật truyền thống giàu bản sắc với tượng thờ, tranh dân gian… mang tính trang trí, cách điệu được sáng tạo dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân theo hình thức phường nghề, cha truyền con nối.

Chương trình đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương dựa trên mô hình và hệ thống sư phạm của phương Tây (Trường Mỹ thuật quốc gia Paris). Việc đào tạo mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX tiếp nhận nền giáo dục văn minh của Pháp với những bài nghiên cứu cơ bản về hình họa, giải phẫu tạo hình, luật viễn cận, bố cục, màu sắc. Bên cạnh đó là các môn học tìm hiểu về lịch sử mỹ thuật, mỹ học nhằm nâng cao tư duy thẩm mỹ, đánh thức ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ.

1661054439-1-tr-ng-ng-d-ng-6806-3918-9543-3534.jpg
Trường Mỹ thuật Đông Dương xưa. Nguồn: TLLS

“Từ năm 1925, kết hợp với việc khai thác nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã đào tạo những nghệ nhân An Nam trở thành nghệ sĩ. Từ ngôi trường này, ý thức nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam được đánh thức, nuôi dưỡng”, PGS.TS Đặng Thị Phong Lan nói.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS.NĐK Nguyễn Xuân Tiên cho rằng sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương thực sự là một cuộc chuyển mình, một đột biến về chất của mỹ thuật Việt Nam, bước từ nền mỹ thuật dân gian, bình dân sang nền mỹ thuật bác học, có môi trường đào tạo bài bản.

Từ đây, các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam chính thức có tên tác giả, năm sáng tác, chất liệu, đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ khuyết danh tác giả trong nền mỹ thuật cổ Việt Nam.

Phát triển trên giá trị truyền thống

Nhìn lại thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc những khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945) như Nam Sơn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Thị Lựu, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Trang Chước, Văn Cao, Nguyễn Bá Lăng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Văn Đôn…, theo GS.TS.NĐK Nguyễn Xuân Tiên, các nghệ sĩ thời kỳ này mặc dù được đào tạo bài bản từ phương pháp tạo hình của nghệ thuật phương Tây thông qua các thầy dạy Pháp nhưng khi học xong họ “biết quên đi những giáo điều và chọn giữ lại, phát triển những gì hợp với mình, của mình”.

khoa-i-truong-my-thuat-dong-duong-bi-doa-dong-cua-nhieu-lan-vi-trai-y-toan-quyen-6143f8b0df9a7-6576-9089.jpeg
Thầy giáo và sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, thập niên 30 thế kỷ XX. Ảnh tư liệu gia đình KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn

“Những học sinh xuất sắc của thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã trở thành những bậc thầy của một nền mỹ thuật mới với sự tìm tòi, khám phá các chất liệu mang đậm bản sắc dân tộc như lụa, sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, đồ họa giá vẽ…; thể hiện các loại tranh chân dung, phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật… Đây chính là điểm khởi đầu quan trọng để mỹ thuật Việt Nam phát triển theo con đường mới”, GS.TS.NĐK Nguyễn Xuân Tiên nhận định.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS. Phạm Trung, thành tựu nghệ thuật, dấu ấn văn hóa để lại của các thế hệ nghệ sĩ qua 20 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương trong lịch sử Việt Nam hiện đại là rất to lớn, vẻ đẹp nhân văn tự thân tỏa sáng, không cần thế hệ hậu sinh tô vẽ, ồn ào.

1661054579-1-t-tranh-2513-3911.jpg
Một số bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương

Những giá trị về văn hóa tinh thần mà Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại còn lưu đến ngày hôm nay, trong thẩm mỹ xã hội, phong cách Mỹ thuật Đông Dương. Có thể tìm thấy nhiều ví dụ điển hình qua những sáng tạo về thiết kế kiến trúc của lớp kiến trúc sư thời kỳ đầu, thiết kế nội thất của hãng Memo, thiết kế áo dài Le Mur tạo ra một nền tảng thẩm mỹ cách tân trong thời trang, những sáng tác tranh...

“Đặc biệt, những họa sĩ thế hệ cuối của Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng vai trò như bản lề lịch sử nghệ thuật, sáng tác của họ kết tinh truyền thống đồng thời mở đường cho những sáng tạo nghệ thuật theo tinh thần thời đại. Chính lớp họa sĩ này làm nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, hướng đến dân tộc - hiện đại, sang trang cho các thế hệ họa sĩ Việt Nam tiếp theo vững tin tìm kiếm những phương thức nghệ thuật mới, tạo nên một bản sắc Việt Nam trong mỹ thuật”, nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS. Phạm Trung nhận định.

Văn hóa - Thể thao

Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp thực tiễn
Văn hóa - Thể thao

Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp thực tiễn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh lý bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn; đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ song vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai
Văn hóa - Thể thao

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9 - 17.11 đi qua nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như "trái tim" của tuyến lễ hội, tập trung nhiều hoạt động chính.