Phong trào sôi nổi, thu hút nhiều người trẻ
Phát biểu tại Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, những năm qua, nhiều hoạt động, phong trào, cuộc thi đã được tổ chức góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, tạo sức lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, như: ô tô thư viện lưu động, ngày hội sách, thi kể chuyện theo sách, liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách...
Nhiều chương trình như: Cùng em đọc sách, Sách hóa nông thôn, Sách cho em, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay... đã mang lại nhiều cơ hội đọc, tạo hứng thú đọc và tiếp cận thông tin, tri thức cho trẻ em và mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách... góp phần quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg 15.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, phát động từ năm 2019. Năm 2024 là năm thứ 5 cuộc thi được tổ chức toàn quốc và được triển khai tại các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học/học viện, cơ sở giáo dục trên cả nước.
Ban tổ chức thông tin, cuộc thi năm nay, số lượng thí sinh dự thi đông hơn. Đây là tín hiệu vui, chứng tỏ sức lan tỏa và sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà trường, gia đình và các em học sinh, sinh viên đối với cuộc thi.
"Qua phóng sự Đại sứ văn hóa đọc - Hành trình lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, tôi rất ấn tượng bởi không khí sôi động của cuộc thi, sự nhiệt tình tham gia dự thi của đông đảo học sinh, sinh viên trên khắp cả nước, trong đó có cả những thí sinh khiếm thị, khuyết tật; hay việc triển khai cuộc thi sớm ở một số tỉnh/thành phố; những đơn vị có số lượng bài dự thi đông, đạt chất lượng cao.
Điều đó chứng tỏ nhiều người trẻ đã có nhận thức đúng và quan tâm sâu sắc đến văn hóa đọc, nhiều em dự thi mong muốn trở thành những đại sứ có thể chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm đọc sách bổ ích, hiệu quả và giới thiệu những nhân vật, cuốn sách hay đã truyền cảm hứng hướng các em tới lối sống tích cực, làm thay đổi nhận thức của chính mình, có trách nhiệm với xã hội, góp phần hình thành một cộng đồng văn hóa đọc phát triển", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Nhiều ý tưởng độc đáo, tâm huyết
Phát động từ tháng 4, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 được tổ chức theo hai vòng. Vòng sơ khảo tại Bộ Quốc phòng, các tỉnh/thành phố, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện, từ tháng 4 - 30.6. Vòng chung kết do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, từ ngày 1.7 - 10.2024.
Sau 4 tháng phát động và triển khai, vòng sơ khảo cuộc thi đã thu hút 1.686.865 học sinh, sinh viên từ gần 9.200 cơ sở giáo dục tham gia. Một số tỉnh/thành phố và đơn vị đã triển khai cuộc thi sớm, có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng như: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Tĩnh…
517 bài dự thi đạt giải cao tại vòng sơ khảo từ 60 tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện thuộc Bộ Quốc phòng và 43 trường cao đẳng, đại học/học viện được chọn tham gia vòng chung kết.
Theo nhận xét từ Ban giám khảo, nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, bảo đảm chất lượng cả về nội dung và kỹ thuật trình bày, có tác dụng giáo dục lớn và hiệu ứng tốt đối với người xem. Nhiều ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ đã được đề xuất để khuyến khích học sinh, sinh viên và mọi người đọc sách; nhiều câu chuyện cảm động, nhiều cuốn sách hay đã được chia sẻ.
Các thí sinh đã thể hiện niềm say mê và dành nhiều tâm huyết để thực hiện bài dự thi. Một số video dự thi sử dụng thêm ngôn ngữ ký hiệu, phụ đề tiếng Anh làm tăng khả năng lan tỏa các chia sẻ và thông điệp khuyến khích mọi người cùng đọc sách.
Ban Tổ chức đã trao 4 danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu cho: Đặng Gia Hân, lớp 3A, Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, TP. Vinh, Nghệ An; Phạm Trung Khải, lớp 8A8, Trường THCS Trọng Điểm, TP. Hạ Long, Quảng Ninh; Nguyễn Hải Âu, lớp 11 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, TP. Việt Trì, Phú Thọ; Binh nhất - Học viên Lê Bảo Toàn, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng.
Ban tổ chức cũng trao 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 32 giải Ba, 64 giải Khuyến khích; và 16 giải chuyên đề gồm: Bài chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất, Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất, Kế hoạch/Sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất dành cho các cấp tiểu học, THCS, THPT và bậc đại học; Giải thưởng chuyên đề dành cho đối tượng người khiếm thị; Video dự thi được nhiều người yêu thích nhất.