Tranh lụa chuyển mình để khởi sắc

Lụa và sơn mài được cho là chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam, nhưng trong khi sơn mài phát triển khá nhanh và mạnh, lụa có vẻ bị chững lại, được ít nghệ sĩ quan tâm. Tuy nhiên, Giám tuyển Vũ Đình Tuấn khẳng định, triển lãm Tranh lụa và điêu khắc nhỏ cho thấy sự chuyển động của lụa và nghệ thuật tranh lụa Việt Nam sẽ có nhiều năng lượng để phát triển, bứt phá thời gian tới.

Khai mở khả năng của chất liệu

 “Thật khó để so sánh một cách cụ thể như kỹ thuật, chất lượng nghệ thuật… giữa tranh lụa trong nước và quốc tế. Nhưng tôi tin, với sự phong phú của các tác phẩm trong lần triển lãm này, tranh lụa Việt Nam hoàn toàn có thể mang một diện mạo xứng đáng để tự hào ngay cả trên quốc tế. Vì thông qua các tác phẩm, công chúng có thể thấy đời sống của Việt Nam rất đậm nét với cách thể hiện đa dạng của nghệ sĩ về cách nhìn, quan điểm, kỹ thuật thể hiện…”.

Nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông

 Đã có giai đoạn tranh lụa bị chững lại, không có sự tìm tòi về cả kỹ thuật và đề tài thể hiện. Tranh lụa xưa khi học một cách bài bản cần sự tĩnh tâm, chậm rãi tỉ mỉ từng lớp, từng lớp, nên có vẻ không hợp với những họa sĩ theo xu hướng thích bộc lộ trực tiếp cảm xúc cá nhân. Một lý do nữa là sau giai đoạn đổi mới, các trào lưu, phong cách mới bùng nổ và nghệ sĩ theo xu hướng gần với mỹ thuật quốc tế hơn, trong khi tranh lụa không quá nổi bật, hoặc có thể chỉ nổi bật trong cộng đồng châu Á, nên không được nhiều họa sĩ lựa chọn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam trong trường mỹ thuật từ xưa đến nay đều có chuyên ngành vẽ lụa, nên nhiều họa sĩ vẫn sáng tác một cách âm thầm. Năm 2007, Triển lãm tranh lụa toàn quốc tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhằm khơi dậy hoạt động sáng tác tranh lụa thời kỳ mới, đã tác động tích cực đến tinh thần của nhiều họa sĩ. Điều này cho thấy tranh lụa vẫn có diễn tiến của nó mặc dù không sôi động như các chất liệu khác.

Gần đây, tranh lụa được quan tâm trở lại. Một số nhà chuyên môn cho rằng, hiếm khi đội ngũ vẽ lụa đông đảo như hiện nay. Trong triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội, các tác phẩm tranh lụa được lựa chọn đều mang dáng dấp đặc trưng nhất của họa sĩ và hầu hết tác giả đã có thành công, ảnh hưởng nhất định trong đời sống mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ, Giám tuyển Vũ Đình Tuấn nhận định: “Một thế hệ họa sĩ có trong mình khát vọng khai mở những khả năng tận cùng của chất liệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, mang lại sức sống mới cho tranh lụa. Lụa không lu mờ, đỏng đảnh, ru ngủ thị giác mà trỗi dậy mạnh mẽ, trong sáng, rực rỡ. Tranh lụa Việt Nam đã thực sự có năng lượng để chuyển mình và khởi sắc”.

Tranh lụa chuyển mình để khởi sắc ảnh 1
 Ảnh: H.Nhung 

Mang hơi thở thời đại

Đối với nghệ thuật tranh lụa hiện nay, tính đương đại chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôn ngữ truyền thống và kỹ thuật vẽ lụa cá nhân của họa sĩ. Đó có thể là sự du nhập những kỹ thuật vẽ lụa trên thế giới hay sáng tạo riêng, kết hợp lại nhưng vẫn tôn vinh được sự lan tỏa của màu nước và sự trong suốt của lụa. Tính đương đại còn thể hiện ở việc các tác giả đã tạo được thế giới riêng, nhìn vào đó, cảm nhận được con người, đời sống, thấy được cá tính và cả ẩn ức của nghệ sĩ. Theo Giám tuyển Vũ Đình Tuấn, hiện nay nhiều nghệ sĩ đã tìm ra những hình thức trưng bày phong phú, có thể trong một hình thức sắp đặt lụa hoặc chồng đè lớp lụa lên để tạo thành các tầng lớp của độ chậm sâu, cung bậc đậm nhạt…

Nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận xét: “Triển lãm này đã minh chứng rất rõ cho việc tranh lụa không chỉ có dấu hiệu hồi sinh mà còn phát triển đa dạng hơn cả về kỹ thuật và đề tài thể hiện. Những cách thức mới được thể nghiệm đều cho hiệu quả tốt. Dù tranh lụa không dễ để thể hiện về mặt kỹ thuật nhưng qua triển lãm cho thấy họa sĩ có rất nhiều năng lực để khai thác được vẻ đẹp của tranh lụa. Đề tài tranh lụa rất phong phú, thực sự mang theo hơi thở của thời đại và có cảm giác trẻ trung khiến người xem thấy rất thú vị”.

Họa sĩ Đoàn Văn Tới với chùm tác phẩm Mùa trong phố chia sẻ: “Những bức tranh lụa của tôi trưng bày lần này đã được thay đổi một chút về kỹ thuật so với cách thức truyền thống. Thường sau khi vẽ lụa có lớp hậu bằng giấy dó bồi lên gọi là biểu lụa, nhưng tôi không sử dụng lớp hậu đó và trong các tranh sử dụng khung mi ca không dùng bo để tạo nét hiện đại cho tác phẩm. Bản thân tôi thích các khung tranh thật đơn giản, để bức tranh tràn tối đa ra viền, tạo sự thanh thoát”.

Chất liệu lụa mang trong nó sự nhẹ nhàng và ẩn mình, người vẽ lụa cũng thâm trầm, ít giao lưu hơn. Một triển lãm về tranh lụa được tổ chức vào thời điểm môi trường mỹ thuật trong nước sôi động hơn, khiến cho họa sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện mình, tìm được hơi thở mới cho tranh lụa.

Văn hóa

Toàn cảnh tọa đàm khoa học về nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Binh Lục sáng 18.10
Văn hóa - Thể thao

Vũ Bình Lục - người giải mã nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại

Tại tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức sáng 19.10, các đại biểu cho rằng, Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam.

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"
Văn hóa - Thể thao

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"

Ngày 19.10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia.