"Hồ sơ khá đặc biệt"
- Năm nay tròn 10 năm di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là người tham gia cuộc họp của UNESCO phê duyệt hồ sơ này, ông có những kỷ niệm, cảm xúc nào đáng nhớ?
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản thứ 4 tôi làm Giám đốc xây dựng hồ sơ, sau các hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Đến hồ sơ này, ít nhiều chúng tôi đã có kinh nghiệm, trải nghiệm, kể cả làm theo mẫu mới của Công ước 2003. Tuy nhiên, đây là hồ sơ khá đặc biệt.
"Đến nay, UNESCO đã đưa 14 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mỗi hồ sơ có nét riêng, cồng chiêng là một nền âm nhạc đặc biệt, Hội Gióng là màn trình diễn lịch sử từ huyền thoại... trong khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là lịch sử hóa huyền thoại và huyền thoại hóa lịch sử. Mỗi di sản có giá trị khác nhau, nhưng cùng hợp thành tổng thể văn hóa Việt Nam". GS.TS. Nguyễn Chí Bền |
Chúng tôi sang Pháp dự Phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO lúc đó là PGS.TS. Dương Văn Quảng cho biết, trong 50 hồ sơ gửi đến, tổ tư vấn của Ủy ban chấp nhận 36 hồ sơ, 18 hồ sơ được đánh giá chất lượng tốt, 18 hồ sơ phải đem ra thảo luận. Hồ sơ của Việt Nam nằm trong 18 hồ sơ chất lượng tốt.
Khi Ủy ban đưa ra thảo luận lại nhập chung cả 36 hồ sơ, Việt Nam vần V, xếp cuối cùng. Chờ hết một ngày vẫn chưa thảo luận đến hồ sơ của Việt Nam. Đoàn Việt Nam gồm có Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, đại diện tỉnh Phú Thọ và chúng tôi hồi hộp đợi đến sáng hôm sau. Khi 10 hình ảnh của hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chiếu lên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Grenada - Chủ tịch Phiên họp nói: “Đây là hồ sơ của Việt Nam đệ trình, các ông bà có ý kiến gì không?”. Tất cả đều im lặng. Sau câu hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, cũng không ai có ý kiến gì, ông cầm búa gõ và nói: “Chúng ta đồng ý nhé”. Cả đoàn Việt Nam vỡ òa sung sướng. Tôi ứa nước mắt vì xúc động và tự hào.
Về sau tôi mới biết rằng, UNESCO đã công nhận nhiều tín ngưỡng, nhưng điểm đặc biệt của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nhân vật thờ được Nhà nước thừa nhận như một người sáng lập quốc gia, tất nhiên theo huyền thoại. Số hồ sơ về tín ngưỡng liên quan đến nhân vật cả quốc gia thờ rất hiếm, chủ yếu là nhân vật tín ngưỡng từng cộng đồng thờ.
- Với sự đặc biệt như thế, quá trình xây dựng hồ sơ di sản này được tiến hành ra sao, có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Ban đầu, tỉnh Phú Thọ không đề xuất xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mà là các di tích đồng thau và sắt sớm liên quan đến thời đại Hùng Vương. Khi tổ chức họp lấy ý kiến các nhà khoa học, tôi không đồng tình với đề xuất này, vì thấy rằng khó chứng minh tính khoa học của nó. Sau đó, tỉnh muốn làm hồ sơ di sản Lễ hội đền Hùng, nhưng ý tưởng này cũng không được các nhà khoa học đồng tình.
Nói chuyện với Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu khi chúng tôi chuẩn bị cho hồ sơ di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, anh hỏi tôi về việc xây dựng hồ sơ của Phú Thọ. Tôi nói nên làm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vì đáp ứng được yêu cầu quan trọng của UNESCO là tính cộng đồng. Hùng Vương, con cháu và tướng tá của Hùng Vương được người dân hơn 120 làng của Phú Thọ thờ cúng, lễ hội. Anh Châu nhất trí. Hơn tháng sau, tỉnh Phú Thọ trình lên và có quyết định giao cho tôi cùng các anh em Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xây dựng hồ sơ.
Chỗ dựa tinh thần và trách nhiệm của thế hệ sau
- Từng tham gia xây dựng nhiều hồ sơ di sản trình UNESCO, theo ông, điều làm nên tính thuyết phục, đáp ứng các tiêu chí của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và sự khác biệt nhất của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gì?
- Thông thường hồ sơ sẽ làm rõ 3 giá trị: lịch sử, khoa học, văn hóa của di sản. Khi xây dựng hồ sơ này, khó khăn đầu tiên là tính học thuật. Bởi muốn làm rõ có nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương thì kinh đô của nhà nước ấy ở đâu, dấu tích như thế nào? Vì vậy, khi viết giới thiệu về di sản trong 200 chữ tiếng Anh, chúng tôi cân nhắc nhiều và chọn cách viết: “Theo huyền thoại, Hùng Vương là vị vua đứng đầu nhà nước Văn Lang...”. Điều đó giúp chúng ta không phải chứng minh với giới học thuật phương Tây, vì đây là câu chuyện huyền thoại, sáng tạo văn hóa.
Để thể hiện di sản chứa đựng sáng tạo văn hóa mang tầm nhân loại, với hiện tượng di sản văn hóa này, có thể thấy, các thế hệ đi trước đã lịch sử hóa huyền thoại ấy, nên hiện nay có đầy đủ dấu vết lịch sử: nơi vua Hùng dạy cấy lúa, cột Đá Thề... và có chiều ngược lại là huyền thoại hóa lịch sử như câu chuyện Lang Liêu làm bánh chưng, bánh giầy...
Điểm nữa là khi nói đến tín ngưỡng là nói đến thực thể văn hóa phát triển giữa hai lực, một bên là sự dội xuống của các vương triều, nhà nước, một bên là sự đẩy lên của người dân. Đây cũng là điều UNESCO chưa hiểu Việt Nam, khi cứ nói đến đền Hùng là họ cho rằng Nhà nước can thiệp nhiều. Thực ra, ngay từ thời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông đã cho biên soạn ngọc phả Hùng Vương, miễn tô thuế tạp dịch cho làng thờ phụng... Từ đó trở về sau, các vương triều chủ trương đề cao đền Hùng và việc phụng thờ Hùng Vương. Nhưng người dân đảm nhiệm việc thờ cúng. Ngày nay, ở núi Nghĩa Lĩnh, dân làng tổ chức họp và thi với nhau để chọn người cúng tế. Nghĩa là vẫn có vai trò của cộng đồng. Đó là điều đặc sắc mà chúng tôi phải chứng minh rõ ràng để UNESCO thấy giá trị di sản này.
Thực thể văn hóa, tín ngưỡng này còn đặc biệt khi dọc đất nước Việt Nam có nhiều đền thờ Hùng Vương, thậm chí ở nước ngoài cũng có. Điều đó cho thấy, tín ngưỡng này có giá trị cố kết cộng đồng mạnh mẽ. Cộng đồng luôn coi đây là một phần cuộc sống của họ. Không phải các tín ngưỡng đều đạt được như vậy.
- Sau 10 năm được UNESCO ghi danh, ông nhận thấy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được bảo tồn và phát huy giá trị ra sao? Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này có điều gì cần lưu ý trong giai đoạn hiện nay?
- Di sản này được Nhà nước ta rất quan tâm, nên cứ mỗi dịp 10.3 âm lịch, cộng đồng làm lễ giỗ, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức, năm chẵn sẽ có quy mô ở cấp quốc gia. Hơn nữa, vừa qua, những nơi thờ tự liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được kiểm kê, một số di tích đã được trùng tu. Đối chiếu với Chương trình hành động quốc gia, có thể thấy, 10 năm qua, cộng đồng vẫn duy trì truyền thống, và chúng ta cũng đã làm được nhiều việc.
Tuy nhiên, sắp tới, phải làm sao để di sản thực sự trở thành sức mạnh cố kết cộng đồng. Chúng ta còn nhớ, ngày 11.4.1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn đại biểu của Chính phủ dâng lên ban thờ Tổ bản đồ non sông gấm vóc Việt Nam - một quốc gia thống nhất và độc lập, cùng thanh gươm thể hiện ý chí của toàn dân quyết giữ vững nền độc lập non trẻ của Tổ quốc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như chỗ dựa, và khẳng định trách nhiệm của thế hệ sau như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong thời đại công nghệ, cần số hóa và có ngân hàng số lưu trữ toàn bộ tư liệu, tài liệu liên quan tới việc thờ cúng Hùng Vương, như sắc phong, ảnh các công trình nghiên cứu... Đồng thời, các tư liệu về di sản phải được quảng bá trong nước và chuyển ngữ để giới thiệu rộng rãi ra nước ngoài.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!