Cụ thể, hoạt động chủ đề biển đảo quê hương trưng bày hình ảnh, hiện vật, phim tài liệu về biển đảo. Điểm nhấn là chương trình ca múa nhạc “Tình ca từ biển”, thể hiện tình yêu biển đảo quê hương của tuổi trẻ, đồng bào các dân tộc. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản mường”; giao lưu “Tiếng hát mùa ban”... Vào các ngày cuối tuần trong tháng có chương trình “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”, trình diễn các tiết mục ca, múa, nhạc, các bài về mùa xuân dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên khi tháng 3 về.
Du khách còn được giao lưu văn nghệ, tham gia biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co...
Hoạt động có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer), đến từ 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Quy mô các hoạt động được tổ chức theo phương án phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 trên thực tế. Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì tăng cường các hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày, hạn chế tập trung đông người. Nếu dịch được khống chế, Ban tổ chức sẽ triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo kế hoạch, tăng cường các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.