Mới đến đầu làng gốm Phù Lãng, thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh, du khách dễ nhận ra nét đặc trưng của làng nghề gốm vùng nông thôn Bắc bộ với những đống củi, nhà gạch trần, mái ngói nhấp nhô dọc hai bên đường làng. Sản phẩm được xếp đầy sân nhà, bờ ruộng, dọc các lối đi với những chậu cảnh, bình gốm, chum vại, tiểu quách xếp tầng tầng lớp lớp, cái còn ướt đỏ màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò nung lên nước bóng loáng...
Theo sách Kinh Bắc - Hà Bắc, ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc và học được nghề làm gốm rồi truyền dạy cho người trong nước. Nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV. Sản phẩm gốm Phù Lãng có màu đặc trưng hồng đỏ gạch do nguyên liệu là đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (xã Việt Thống) cách đó chừng 7km đường sông. Nước men cũng có sắc thái riêng với đặc trưng là gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu... mà người ta gọi chung là men da lươn. Chất liệu làm men tráng được làm từ tro cây rừng, vôi sống, sỏi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. 4 chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.
Nét nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và đậm nét điêu khắc tạo hình.
Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ văn hóa xã Phù Lãng cho biết, về cơ bản, gốm Phù Lãng chia thành 2 dòng sản phẩm chính là gốm truyền thống và gốm mỹ thuật. Gốm mỹ thuật xuất hiện từ năm 1998 khi những thợ gốm thế hệ mới được đào tạo từ các trường mỹ thuật. Hiện cả làng có 6 người học từ các trường mỹ thuật và với kiến thức được học, họ đang thổi hồn vào đất, sáng tạo và phát triển những tinh hoa của nghề gốm.
Từ khi xuất hiện các xưởng gốm mỹ thuật, du khách đến với làng nghề Phù Lãng nhiều hơn. Khách đi tour được dẫn tới xưởng gốm xem các công đoạn làm nghề và chọn mua sản phẩm. Theo chuyên viên điều hành Công ty du lịch Vinatour Vũ Minh Chiên, khách đến Phù Lãng theo 2 dạng. Khách đi theo tour chọn đây là điểm dừng trên tuyến đến Hạ Long. Dạng thứ 2 là dân du lịch “bụi” cả ta và tây đều thích, với hành trình tự túc di chuyển. Khoảng hơn năm trở lại đây, dân du lịch “bụi” rất thích đến Phù Lãng bởi mỗi góc vườn, mỗi con đường, mỗi bờ rào là một khuôn hình dễ thương, mộc mạc. Ngoài làm nghề gốm, làng Phù Lãng là một điển hình của làng nông thôn Bắc bộ, rất hợp cho phát triển du lịch nếu biết khai thác giữa các điểm văn hóa lịch sử ở Bắc Ninh và cung đường 18 đi vịnh Hạ Long. Đặc biệt, người làm gốm ở Phù Lãng rất hiếu khách, sẵn sàng trả lời tỉ mỉ các công đoạn làm nghề...
Tuy nhiên, hiện du lịch đến làng gốm Phù Lãng chỉ là tự phát, chưa chuyên nghiệp như làng gốm Bát Tràng. Nhược điểm lớn nhất để Phù Lãng trở thành điểm du lịch là hạ tầng giao thông. “Đường về làng Phù Lãng nhỏ hẹp nên khi dẫn khách đến đây, chúng tôi phải chuyển tải sang xe nhỏ hoặc để khách đi bộ nên mất nhiều thời gian cho khách đi tour. Thậm chí nhiều du khách mê phong cảnh làng quê và muốn ở lại qua đêm cũng không có điểm lưu trú tương đối tiện nghi tại đây”, anh Chiên nhận xét.