Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Theo các chuyên gia, 15 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo được các tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật. Trong đó, 6 đơn vị nghệ thuật biểu diễn của thủ đô và đội ngũ văn nghệ sĩ là hội viên của 9 hội chuyên ngành văn học nghệ thuật đã sáng tạo nên các sản phẩm có chất lượng trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa, là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế hấp dẫn trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, trên địa bàn Hà Nội, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật đã có sự cải thiện rất lớn so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên đối với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, đầu tư cho nghệ thuật vẫn chưa tương xứng với vai trò và nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thủ đô, chưa theo kịp được sự phát triển của công nghiệp và công nghệ như vũ bão hiện nay. Các nhà hát chưa mang tính hiện đại, công năng sử dụng không hợp lý, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ. Bên cạnh đó, chưa có nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc, thu hút khán giả, hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại...
Từ vị trí, vai trò đặc biệt của lĩnh vực văn học nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, NSƯT Tấn Minh cho rằng, để có thể đưa ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của thủ đô, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến kết cấu hạ tầng.
“Hiện nay Hà Nội chưa có nhà hát xứng tầm để hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, chưa có nhà hát tầm cỡ mang biểu tượng của thủ đô. Hầu hết các nhà hát của Hà Nội có quy mô khá nhỏ, từ 100 đến khoảng 600 chỗ ngồi. Vì vậy, Hà Nội cần có nhà hát tầm cỡ hơn nữa đáp ứng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thưởng thức ngày càng khắt khe của khán giả” - NSƯT Tấn Minh nói.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội là điều vô cùng cần thiết; nghệ thuật biểu diễn phải được kết hợp cùng công nghệ - khoa học để trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn và hấp dẫn hơn. Những ý tưởng sáng tạo sẽ gặp không ít trở ngại nếu không có trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu... hiện đại, đáp ứng nhu cầu của ê kíp sáng tạo.
NSƯT Tấn Minh cũng kiến nghị tiến hành đánh giá cụ thể về tình hình nghệ thuật biểu diễn hiện tại thủ đô, xác định những khía cạnh chưa hiệu quả và điểm yếu của các chương trình nghệ thuật đang tổ chức. Nghiên cứu các xu hướng, công nghệ và phong cách biểu diễn mới để xác định các giải pháp đột phá và đổi mới, từ đó, thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng trong phát triển nội dung biểu diễn.
Khuyến khích sự hợp tác đa phương diện giữa nghệ sĩ, nhà sản xuất và nhà thiết kế thuộc các lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, thời trang, hội họa, nghệ thuật đương đại, múa, sân khấu, trình diễn ánh sáng… để tạo ra những trải nghiệm biểu diễn độc đáo. Áp dụng công nghệ và phương tiện truyền thông hiện đại để tăng cường tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.
Để phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn, cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghệ sĩ và nhân viên quản lý nghệ thuật, nâng cao chất lượng biểu diễn và quản lý chương trình. Hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghệ thuật phát triển các khóa học và chương trình học tập liên quan. Đặc biệt, tạo quỹ hỗ trợ cho những dự án nghệ thuật trẻ và sáng tạo. Hoạt động này mang tính thường niên và nên có ban thẩm định là người trẻ, có tư duy thay đổi mạnh mẽ, sáng tạo.
Xây dựng cơ chế kết nối và tạo điều kiện phối hợp, hợp tác giữa các nhà hát và Cục Du lịch, các công ty lữ hành về hoạt động tuyến điểm, tạo tiền đề phát triển hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch, là kênh quảng bá văn hóa với thế giới, đồng thời là nguồn lực tại chỗ hỗ trợ các nhà hát phát triển.